Một người đã tạo ra khối tài sản khổng lồ sánh ngang với những tỷ phú công nghệ giàu có nhất nước Mỹ. Một người tích lũy hàng tỷ USD với mục tiêu thay đổi chính trị và hoạt động từ thiện. Một số khác lại tìm được cơ hội làm giàu thứ hai sau những dự án kinh doanh không thành công trong quá khứ.
Cơn sốt tiền điện tử đã giúp Changpeng Zhao, Sam Bankman-Fried, Mike Novogratz và một số người khác sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD. Thế nhưng, ngay khi trở thành những gương mặt mới của giới siêu giàu toàn cầu, họ lại đang chứng kiến khối tài sản của mình “bốc hơi” với tốc độ chóng mặt.
Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tổng tài sản của 7 tỷ phú tiền số hàng đầu thế giới tại ngày 9/11/2021 – thời điểm Bitcoin đạt mức kỷ lục gần 69.000 USD là 145 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, số tài sản này đã “bốc hơi” 114 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư khác đặt cược lớn vào Bitcoin - từ CEO Microstrategy Michael Saylor đến Tổng thống El Salvador Nayib Bukele - cũng đang cảm thấy khó khăn khi giá của đồng tiền số lớn nhất thế giới xuống dưới 23.000 USD hôm 13/6, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 .
Từng được coi là mở ra kỷ nguyên mới của tài chính phi tập trung, thị trường tiền điện tử đã bị rung chuyển bởi hai vụ việc "gây sốc" trong thời gian gần đây. Hôm 12/6, Celsius, một trong những nền tảng cho vay tiền số lớn nhất thông báo rằng họ đã đóng băng tất cả các giao dịch. Động thái này diễn ra sau khi có suy đoán rằng Celsius sẽ không thể đem lại mức lợi nhuận như đã hứa trên một số sản phẩm. Trước đó, cú sập của đồng Luna cũng cuốn bay hàng trăm tỷ USD khỏi thị trường tiền số.
Zhao, người sáng lập Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cho biết công ty của ông vẫn đang mở rộng việc tuyển dụng. Tuy nhiên, tài sản của tỷ phú 44 tuổi này đã giảm 89%, xuống còn 10,2 tỷ USD so với hồi tháng 1. Zhao từng là người giàu thứ 11 thế giới trên bảng xếp hạng của Bloomberg. Trong khi đó, Binance Coin (BNB) đang bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ điều tra để xác định liệu token này có được bán trái phép như một mã chứng khoán.
Bankman-Fried, CEO 30 tuổi của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, cũng chứng kiến tài sản "bốc hơi" 66% so với mức cao nhất 26 tỷ USD mà anh từng đạt được.
|
Tài sản của 7 tỷ phú tiền ảo giàu nhất thế giới đã "bốc hơi" 114 tỷ USD chỉ sau vài tháng. Nguồn: Bloomberg |
Năm 2015, Novogratz rời Fortress Investment Group sau khi khi quỹ đầu tư do ông điều hành thua lỗ lớn. Gần đây, tỷ phú 57 tuổi này đánh dấu sự trở lại của mình với tiền điện tử và được cộng đồng biết đến nhiều nhất thông qua việc quảng bá Luna. Thế nhưng, Novogratz gần đây đã phải thừa nhận rằng Terra là “ý tưởng lớn đã thất bại”. Tài sản của ông hiện chỉ còn 2,1 tỷ USD, thấp hơn cả khi Novogratz lần đầu có mặt trong xếp hạng của Bloomberg vào tháng 12/2020.
Trong khi đó, cặp song sinh Cameron và Tyler Winklevoss cũng chứng kiến tài sản của họ giảm xuống mức 3 tỷ USD/người, từ mức cao nhất 5,9 tỷ USD. Bộ đôi nhà sáng lập 40 tuổi của sàn giao dịch tiền điện tử Gemini thông báo trong tháng này rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động.
Coinbase Global, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Mỹ, đã hủy bỏ các đề nghị tuyển dụng do giá tiền điện tử liên tục lao dốc. Các nhà sáng lập Brian Armstrong, 39 tuổi và Fred Ehrsam, 34 tuổi, từng có tổng tài sản 18,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện mỗi người chỉ còn 2,1 tỷ USD do cổ phiếu của công ty giảm 79% kể từ khi phát hành lần đầu ra công chúng.
Đối với Saylor, ông vẫn giữ niềm tin. Ngày hôm qua, ông đã tweet rằng “In Bitcoin We Trust” (Chúng tôi tin tưởng Bitcoin) cùng với một bức ảnh mình bị bao vây bởi tia chớp. Microstrategy, công ty phần mềm do ông thành lập - đã sụt giảm giá trị trong thời kỳ bong bóng dot-com năm 2000 - bắt đầu mua Bitcoin vào năm 2020. Cổ phiếu công ty đóng cửa ở mức đỉnh 1.272 USD vào tháng 2/2021, khi 2,36 triệu cổ phiếu Saylor sở hữu trị giá 3 tỷ USD. Kể từ đó, mã này giảm khoảng 88%.
Bukele, tổng thống 40 tuổi của El Salvador, không chia sẻ điều gì trên Twitter về sự sụt giảm của tiền điện tử tính đến chiều hôm qua (13/6). Năm ngoái, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa Bitcoin.