Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết tâm điểm trên thị trường tài chính-ngân hàng tuần qua là phần thảo luận của Thống Đốc NHNN với các đại biểu, trong phiên họp Quốc hội vào tháng 5/2022.
Trong đó, về vấn đề lãi suất, mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội và NHNN trong 2 năm 2022 – 2023 là hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục sau COVID-19. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại (lạm phát và tý giá không thuận lợi) khiến mục tiêu điều hành của NHNN gặp nhiều áp lực hơn.
Trên thực tế, tín dụng tăng 8% so với cuối năm 2021, tính đến hết tháng 5/2022 trong khi mặt bằng lãi suất cho vay chỉ tăng 0,09 điểm % so với cuối năm là một nỗ lực lớn từ ngành ngân hàng.
Sắp tới, NHNN sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng đến hầu hết các ngành nghề (trừ những ngành rủi ro cao) và nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm 0,5 – 1% trong hai năm 2022-2023.
Trong tuần qua, trạng thái thanh khoản cải thiện giúp mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp xuyên suốt tuần. Kết tuần, lãi suất kì hạn qua đêm ở mức 0,53% (tăng 0,29 điểm %), và kỳ hạn 1 tuần là 1,2% (tăng 0,19 điểm %).
Trên thị trường ngoại hối, biến động của VND thường có độ trễ so với các đồng tiền khác, do vậy diễn biến của VND hầu như đi ngang trong tuần trước.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giảm 0,1% trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM giảm 40 đồng, kết tuần ở mức VND 22.990-23.300. Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang, và hiện giao dịch ở 23.770-23.800.
Chuyên gia cho rằng áp lực giảm giá của VND vẫn tương đối rõ ràng trong bối cảnh đồng USD tăng giá, thể hiện qua việc USD/VND đã bật tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần này (tăng 0,13%). NHNN đã liên tục chủ động thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường, thông qua hợp đồng bán USD kỳ hạn 3 tháng.
Về dài hạn, yếu tố hỗ trợ VND tiếp tục từ nguồn cung USD tích cực từ cán cân thương mại, giải ngân FDI và kiều hối.
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, việc chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới (đỉnh điểm có lúc gần 20 triệu đồng/lượng) được các đại biểu yêu cầu NHNN cho ý kiến vì cho rằng SJC được NHNN giao cho độc quyền sản xuất vàng miếng là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch trên.
Thống đốc NHNN đã ghi nhận và có chủ trương xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng. Trên thực tế, sau những thông báo trên, chênh lệch giá vàng SJC – quốc tế đã giảm chỉ còn 15 triệu đồng/lượng.