Theo báo cáo tài chính quý II, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17% đạt 3.863 tỷ đồng. Giá vốn tăng với tốc độ chậm hơn giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 65% so với cùng kỳ lên 610 tỷ đồng.
Công ty bị hụt nguồn thu từ hoạt động tài chính, đồng thời ghi nhận các chi phí tài chính và bán hàng tăng mạnh. Điểm sáng là sự xuất hiện của một khoản lợi nhuận khác đột biến 176 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần cùng kỳ.
Với diễn biến đố, Đạm Cà Mau báo lãi sau thuế 570 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý gần đây.
Thực tế, trong quý II, công ty có thực hiện một giao dịch mua lại 100% vốn nhà máy Phân bón Hàn - Việt (KVF) có công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Báo cáo tài chính cho thấy có một khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ 167 tỷ đồng (cùng kỳ không phát sinh).
Tính lũy kế từ đầu năm, Đạm Cà Mau có quy mô doanh thu tăng 10% đạt hơn 6.600 tỷ đồng. Nhờ cải thiện biên lãi gộp và lãi bán mua rẻ tài sản, công ty có lợi nhuận sau thuế 919 tỷ đồng, tăng 70% so với bán niên năm ngoái.
Theo cơ cấu, mảng phân đạm ure vẫn là chủ lực khi đóng góp hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu và có biên lợi nhuận gộp tăng vọt lên trên 28% (nhờ giá đầu vào giảm giúp giảm giá vốn). Mảng NPK mang về gần 1.200 tỷ đồng với biên lãi gộp hơn 14%.
Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ước tính sản xuất được 502.080 tấn ure, tiêu thụ ure 453.210 tấn, thực hiện được lần lượt 56%, 61% kế hoạch năm đặt ra. Phân NPK đã sản xuất được 98.490 tấn, hoàn thành 54% mục tiêu năm, đồng thời tiêu thụ 76.880 tấn NPK, hoàn thành 42% kế hoạch năm.
Theo kế hoạch 2024, công ty phân bón đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu gần 11.878 tỷ đồng, giảm 6% so với thực hiện năm trước. Chỉ tiêu lãi sau thuế 795 tỷ đồng, giảm 43% so với kết quả năm 2023.
Với kết quả bán niên trên, doanh nghiệp đã thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và đã vượt 16% chỉ tiêu về lợi nhuận dù mới đi được nửa chặng đường.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 16.800 tỷ đồng; trong đó có bao gồm lượng tiền và tiền gửi ngân hàng đến 10.672 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63%. Công ty còn đẩy mạnh tích hàng tồn kho với giá trị gần 2.800 tỷ đồng, coa hơn 29% so với đầu năm.
Đạm Cà Mau cũng gia tăng quy mô nợ vay lên gần 1.500 tỷ đồng, tăng 75% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt gần 9.800 tỷ đồng, trong đó đã gồm 1.627 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.