Đóng cửa, VN-Index tăng 4,49 điểm (0,36%) lên 1.246,6 điểm, HNX-Index tăng 0,86 điểm (0,36%) lên 237,52 điểm, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,3%) lên 95,46 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng gần 6 điểm với hiệu ứng tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Sắc xanh lan tỏa trên bảng điện có thời điểm giúp chỉ số tiệm cận vùng 1.250 điểm. Dù vậy, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến VN-Index thu hẹp biên độ tăng với diễn biến thị trường chung trở nên phân hóa.
Bước sang phiên chiều, lực mua chủ động giữ nhịp giúp VN-Index thành công lấy lại mốc 1.245 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 514 mã tăng, 337 mã giảm và 230 mã giữ giá tham chiếu. Trên HOSE, sắc xanh cũng chiếm ưu thế với 244 mã tăng. 168 mã giảm và 94 mã giữ giá không đổi.
VN30-Index hôm nay tăng 3,89 điểm (+0,3%) với 14/30 mã tăng giá. Bên chiều tăng điểm, duy nhất VNM đóng cửa tăng hơn 2%, các mã còn lại xanh nhẹ hơn như BID (+1,8%), HPG (+1,6%), MWG (+1,6%), TPB (+1,4%), GVR (+1,2%), BCM (+1,1%), FPT (+0,8%), HDB (+0,6%), POW (+0,4%),… Ở phía đối diện, VRE và VHM giảm lần lượt 1,8% và 1,7%, VJC mất 1,5% thị giá, MBB, SHB, GAS và SAB đỏ nhẹ dưới tham chiếu.
Cổ phiếu ngành thép đồng loạt thu hút dòng tiền với TVN tăng 11,1% lên 10.000 đồng/cp, hay như VGS (+7,5%), PAS (+2,6%), SMC (+1,8%), HPG (+1,6%), TLH (+1,2%), NKG (+1,1%), HSG (+0,6%), HMC (+0,4%), …
Họ phân bón, hóa chất tiếp diễn xu hướng hồi phục với BFC tăng trần lên 47.600 đồng/cp, DDV (+5%), LAS (+4,8%), DCM (+4,5%), SFG (+2,6%), CSV (+2,1%), DPM (+1,8%), VAF (+0,8%), …
Trong phiên thị trường giao dịch phân hóa khi chỉ có một số ngành hay một số mã riêng lẻ tăng điểm tốt còn lại đa số cổ phiếu giao dịch quanh tham chiếu với mức tăng giảm quanh ngưỡng 1%. Theo quan sát, sau nhịp giảm 40% thị giá, HVN tăng hết biên độ trong phiên hôm nay lên 22.350 đồng/cp, trở thành công thần lớn thứ hai trên thị trường phiên hôm nay (sau BID) với mức đóng góp 0,8 điểm cho VN-Index. Một số cổ phiếu penny tím trần sau chuỗi giảm giá như BFC, NHA, QCG, ...
Trong khi đó, một vài cổ phiếu giao dịch tiêu cực như bộ đôi HBC và HNG sau khi nhận thông báo của HOSE về việc hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, đã bị bán tháo ngay khi mở cửa. Đóng cửa, hai mã này vẫn dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị. Ngoài ra, LDG vẫn dư bán sàn khủng sau thông tin tiêu cực, với khối lượng dư bán sàn gần 15,3 triệu đơn vị.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 573 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 12.773 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, giá trị giao dịch tương đương phiên thứ Sáu tuần trước với gần 11.400 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn trong pha hồi phục ngắn hạn, hôm nay là phiên đầu tiên dòng tiền có dấu hiệu bắt đầu quay lại thị trường. Tuy nhiên, theo dự báo của công ty chứng khoán, khu vực 1.250 – 1.260 điểm vẫn là ngưỡng cản tương đối mạnh và VN-Index cần một cây nến chỉ hướng với thanh khoản ủng hộ để xác nhận đà hồi phục.
Tại thị trường quốc tế, báo cáo PCEPI đúng như kỳ vọng của Phố Wall đã thúc đẩy cả ba chỉ số chính phục hồi hơn 1% trong phiên 26/7, khép lại một tuần đầy biến động.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 26/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 654 điểm, tương đương 1,64% và đóng cửa ở mức 40.589 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,11% và chốt phiên với 5.459 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến thêm 1,03%, lên mức 17.358 điểm.
Chiến lược gia đầu tư trưởng của CFRA Research, ông Sam Stovall nhận định rằng diễn biến trong phiên 26/7 là sự kết hợp của tâm lý bán quá mức (oversold), báo cáo GDP mạnh hơn dự kiến và quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.