Sáng 10/8, tiếp tục phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn, sau phiên chất vấn tổ chức thành công vào tháng 4/2022. Phiên chất vấn được trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và được kết nối với 62 tỉnh, thành phố.
Từ đề xuất, tổng hợp của 58 đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, ý kiến kiến nghị của cử tri, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn chất vấn với 2 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL).
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)
Tại phiên chất vấn, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Trước tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân cá nhân rất phổ biến, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Công an về các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) phản ánh tình trạng thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm, nền tảng mạng xã hội, không khó để truy cập vào các hội nhóm này.
"Dù đã triệt phá được nhiều đường dây, nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động, chưa được phát hiện, xử lý", đại biểu Thuỷ chất vấn Bộ trưởng Công an giải pháp để phòng ngừa, giúp người dân yên tâm rằng, thông tin cá nhân của mình không bị trôi nổi trên mạng xã hội.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân cả trên thế giới và ở nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số biện pháp, trong đó xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm căn cứ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Lộ trình đến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều nước trên thế giới cũng đã ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Giải pháp khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng thời tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp để lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Công an cũng cho biết, đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, lấy nguồn gốc từ Bộ GD&ĐT và một số ngành khác.