Theo báo cáo tình hình tài chính năm 2022 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI bất ngờ báo lãi đột biến 1.017 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm 2021.
Đây là con số cao kỷ lục so với những năm trước đó, khi DOJI chỉ ghi nhận lãi sau thuế trên dưới 100 - 200 tỷ/năm. So với đối thủ PNJ, khoản lãi nghìn tỷ của DOJI này đã tiệm cận mức lãi của PNJ các năm 2020 và 2021. Còn ở năm 2022 thì vẫn còn khoảng cách tương đối xa khi PNJ lãi hơn 1.800 tỷ.
Sau một năm, vốn chủ sở hữu của DOJI cũng tăng thêm 1.000 tỷ đạt, 6.361 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ (ROE) tăng từ 5,02% lên xấp xỉ 17,4%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DOJI tại cuối năm 2022 là 1,95, tương ứng với tổng nợ phải trả là 12.403 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ ở mức 0,1 lần, trong khi năm ngoái ở mức 0,72 lần, tương đương dư nợ trái phiếu của DOJI hiện là 636 tỷ đồng.
Theo HNX, từ tháng 7/2020 - 9/2021, DOJI đã phát hành 6 đợt trái phiếu với tổng giá trị 3.600 tỷ đồng. Từ tháng 4/2022 đến 10/4/2023, DOJI đã thực hiện mua lại trước hạn hơn 2.700 tỷ đồng trái phiếu.
Tiền thân của DOJI là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD thành lập năm 1994. Giai đoạn 2006 - 2007, DOJI thâu tóm CTCP Vàng bạc đá quý Hà Nội và SJC Đà Nẵng để trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước. Năm 2009 công ty tái cấu trúc trở thành Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI. Đến năm 2020, DOJI thâu tóm Thế giới Kim cương.
DOJI hiện có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Ngoài kinh doanh vàng, bạc, tài chính ngân hàng, DOJI lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu DOJILand.
DOJILand sở hữu các bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội, TP HCM và đã hoàn thành các dự án căn hộ, nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh. Thời gian tới, nhà phát triển cho biết sẽ tiếp tục phát triển các công trình bất động sản hạng sang với thương hiệu Diamond Crown tại Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Huế...