Theo văn bản trên, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước có thể bùng phát trở lại khi xuất hiện thêm các biến thể phụ mới của Omicron. Tại TP HCM đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5. Cùng với đó, tình trạng miễn dịch cộng đồng của người dân trên địa bàn đối với COVID-19 có xu hướng giảm dần.
Nhóm nguy cơ bao gồm những người trên 50 tuổi. Ảnh: BỘ Y TẾ
UBND thành phố yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi) bảo đảm các dữ liệu chính xác và được cập nhật kịp thời. Việc này ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch còn là cơ sở để triển khai hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi, lập hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây... cho người dân trong thời gian tới.
Thành phố yêu cầu lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều để vận động, thuyết phục đến các điểm tiêm trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức đội tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được, bảo đảm tỉ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tại mỗi phường, xã, thị trấn được tiêm mũi nhắc lần 2 đạt tối thiểu 90%.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc. Khi thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Khi người sống chung, người cùng gia đình mắc COVID-19 thì cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tổ chức truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ để họ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K (khử khuẩn - khẩu trang).