Xuất hiện công ty báo lỗ
Những rủi ro vĩ mô, các vấn đề nội tại, tình trạng suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022, dù tình hình tăng trưởng kinh tế đang được đánh giá là cao nhất khu vực. Những tháng đầu năm 2023, khó khăn vẫn đeo bám thị trường chứng khoán. Tăng trưởng quý I thấp, tiền vào chứng khoán ít hơn, thị trường “khó nhằn”, nhiều công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I không mấy tích cực.
Công ty CP Chứng khoán Everest (EVS) vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn khi kết thúc 2022, doanh thu đạt hơn 900 tỷ đồng, giảm hơn 18,6% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 90 tỷ đồng, giảm tới hơn 82,6%.
Sang những tháng đầu 2023, công ty này kéo dài "vận đen" kết thúc quý I với khoản lỗ ròng hơn 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 29 tỷ đồng. Doanh thu đạt 62 tỷ đồng, giảm tới 80%.
Năm ngoái, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của EVS là lãi từ các tài sản tài chính (EVTPL), quý I năm nay ghi nhận mức sụt giảm mạnh gần 1/3, chỉ đạt gần 47 tỷ đồng.
Hiện danh mục của EVS đạt hơn 1.800 tỷ đồng, bao gồm hơn 400 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, gần 56 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết và các chứng khoán khác gần 1.350 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh dẫn tới doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán của EVS chỉ còn 5,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 31 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay cũng lao dốc, chỉ còn 8,6 tỷ đồng, giảm tới 82%.
Theo lý giải của đại diện EVS, thanh khoản thị trường giảm mạnh trong quý dẫn tới doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán, doanh thu từ hoạt động cho vay giảm mạnh. Ngoài ra giá cổ phiếu giảm làm doanh thu hoạt động tự doanh giảm mạnh dẫn đến số lỗ nêu trên.
Lợi nhuận “rơi” hơn 50%
Theo công bố của HoSE, Công ty CP Chứng khoán VPS đứng đầu trong top 10 công ty chứng khoán có giá trị môi giới lớn nhất trên sàn này quý IV/2022 và cả năm 2022.
Là doanh nghiệp tên tuổi, chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực chứng khoán, VPS cũng không tránh được sự đi xuống trong kinh doanh lúc thị trường khó khăn.
Trong báo cáo giải trình biến động gửi Ủy ban Chứng khoán khi lợi nhuận "bay" quá nửa trong quý I năm nay, VPS cho biết là "do ảnh hưởng của thị trường" nên doanh thu giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, tương đương gần 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận giảm tới 52%.
"Soi" cơ cấu doanh thu của VPS cho thấy, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ đạt gần 670 tỷ đồng, giảm 37%.
Ở mảng cho vay, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hay lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm đều giảm mạnh, tương ứng chỉ còn hơn 26 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng.
Doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt hơn 410 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với con số hơn 950 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu từ nghiệp vụ lưu ký chứng khoán lại tăng, từ hơn 11 tỷ đồng lên hơn 32 tỷ đồng. Kết quả, tổng doanh thu trong quý của VPS đạt hơn 1.360 tỷ đồng, giảm 46%.
Về cơ cấu chi phí, chi phí môi giới chứng khoán, hoạt động tự doanh đều giảm, lần lượt còn gần 360 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Trong khi các loại chi phí như hoạt động nghiệp vụ lưu ký chứng khoán và tư vấn tài chính tăng. Kết quả quý I, lợi nhuận của VPS "rơi" quá nửa so với cùng kỳ.
Trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên sắp diễn ra, VPS “cài số lùi” với dự kiến lãi trước thuế 2023 đạt 800 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Ngoài ra, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức 5.888 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán có tên tuổi trên thị trường cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I. Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng có bức tranh không mấy sáng sủa khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm.
Doanh thu hoạt động trong quý đầu năm của KIS Việt Nam đạt gần 480 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, Chứng khoán KIS báo lãi trước thuế 99 tỷ đồng và 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 43% so với thực hiện trong cùng kỳ năm ngoái.