Doanh nhân

Đại gia tuần qua: Thu nhập bình quân của nhân viên “đại gia” ngân hàng Agribank là bao nhiêu?

Đại gia ngân hàng chi lương thưởng cho nhân viên ra sao?

Ngân hàng Agribank vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024. Cụ thể, khoản lãi trước thuế nửa đầu năm của nhà băng là 13.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Agribank trở thành ngân hàng đứng thứ 5 về lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay, sau các ngân hàng Vietcombank (20.835 tỷ đồng), Techcombank (15.629 tỷ đồng), BIDV (15.549 tỷ đồng), và MB (13.428 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 của Agribank đạt 10.400 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,49% so với cùng kỳ.

Ngân hàng Agribank vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024. Ảnh: Agribank

Ngân hàng Agribank vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024. Ảnh: Agribank

 Là ngân hàng có mạng lưới rộng nhất, Agribank hiện có tới hơn 40.000 nhân viên (BIDV xếp thứ hai về số lượng nhân viên với 26.300 người tại ngày 30/6/2024). Do đó chi phí cho nhân viên của Agribank cũng ở mức cao nhất toàn ngành.

6 tháng đầu năm nay Agribank đã chi xấp xỉ 8.000 tỷ đồng (tăng 5,6%) chi phí cho nhân viên (bao gồm lương, thưởng, các khoản chi theo lương, trợ cấp,…).

Trong đó, mức chi lương và phụ cấp (phần thực lĩnh của nhân viên) gần 7.200 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, thu nhập bình quân (lương và phụ cấp) của nhân viên Agribank trong 6 tháng đầu năm nay là 29,72 triệu đồng/người/tháng. Con số này đã tăng 2 triệu đồng/người/tháng so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh trai Chủ tịch Lê Viết Hải mua vào cổ phiếu HBC

Ông Lê Viết Hưng, Cố vấn cao cấp của Xây dựng Hòa Bình vừa đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HBC trong thời gian từ ngày 8/8-6/9/2024 với lý do bổ sung danh mục đầu tư. Ngoài là cố vấn Tập đoàn, ông Hưng còn là anh ruột của Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải.

Nếu mua thành công số cổ phiếu trên, tỷ lệ sở hữu của ông Hưng tại HBC sẽ tăng từ 0,25% lên 0,39%, tương đương gần 1,4 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá hiện tại, ông Hưng cần chi khoảng 3 tỷ để hoàn tất gom thêm cổ phần.

Trước đó, HBC nhận án hủy niêm yết bắt buộc của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) do LNST chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.

Trong văn bản sau đó, HBC cho biết sẽ tiến hành chuyển gần 347,2 triệu cổ phiếu sang giao dịch tại UpCOM. Đồng thời, HBC tiếp tục có văn bản phúc đáp tới HoSE, khẳng định không đồng ý với các căn cứ HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC. Hoà Bình mong HoSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của công ty.

Lợi nhuận công ty của 'vua hàng hiệu' đi lùi

Quý II, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất Sasco ghi nhận doanh thu thuần 654 tỷ đồng trong (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại giảm gần 9%, xuống còn 68 tỷ đồng.

Lợi nhuận Sasco sụt giảm trong bối cảnh chi phí hàng bán và quản trị doanh nghiệp tăng đáng kể, lần lượt 11% và 30% lên mức 227 tỷ đồng và 81 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng vọt lên 16 tỷ đồng (do lỗ tỷ giá), trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh về 35 tỷ đồng (chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng giảm).

Mảng kinh doanh cốt lõi của Sasco là bán hàng miễn thuế và kinh doanh phòng chờ.

Mảng kinh doanh cốt lõi của Sasco là bán hàng miễn thuế và kinh doanh phòng chờ.

Mặc dù vậy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Sasco vẫn tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 113,5 tỷ đồng. Kết quả này phần lớn nhờ vào hoạt động kinh doanh khởi sắc trong quý I và sự phục hồi chung của thị trường hàng không.

Sasco đang có vốn chủ sở 1.460 tỷ đồng, cao gần gấp đôi số nợ phải trả (755 tỷ đồng). Hiện, doanh nghiệp không có khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn. Khoản nợ lớn nhất là tiền phải trả người bán ngắn hạn, hơn 401 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại IPP Group của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn (270 tỷ đồng).

Sasco cũng là công ty do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch HĐQT, chuyên bán lẻ, kinh doanh hàng miễn thuế và kinh doanh dịch vụ tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vinhomes chi hàng trăm đến nghìn tỷ đồng để bảo vệ quyền lợi cổ đông

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) đã thông qua kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Động thái mua lại khối lượng lớn cổ phiếu quỹ của Vinhomes diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu VHM đang ở vùng đáy lịch sử. 

Giao dịch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ của VHM sẽ được thực hiện sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Dựa trên giá đóng cửa ngày 7/8, ước tính Vinhomes sẽ phải bỏ ra hơn 13.764 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.

Nếu hoàn tất đợt mua cổ phiếu quỹ như đăng ký, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng. Lý giải về quyết định mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, đại diện Vinhomes nhấn mạnh: "Thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm