CTCP Quản lý quỹ PVI AM có CEO mới
CTCP PVI (HNX: PVI) mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT về công tác nhân sự. Theo đó, Bà Trịnh Quỳnh Giao sẽ thôi giữ chức vụ Giám đốc đầu tư tại Công ty cổ phần PVI để thực hiện nhiệm vụ HĐQT giao tại CTCP Quản lý quỹ PVI AM.
Sau khi rời vị trí Giám đốc đầu tư tại Công ty cổ phần PVI, nữ doanh nhân sinh năm 1979 người Hà Nội được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI AM, đơn vị được ủy thác quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư của hệ thống PVI.
Bà Trịnh Quỳnh Giao
PVI AM đang điều hành hai quỹ thành viên là quỹ đầu tư cơ hội PVI và quỹ đầu tư hạ tầng PVI với vốn điều lệ lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Theo trang web chính thức của doanh nghiệp, tổng tài sản do PVI AM quản lý hiện lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Hiện bà Giao đang trực tiếp nắm giữ 50.000 cổ phần PVI, tính theo giá thị trường khối tài sản tân Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI AM đang nắm giữ trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai trả nợ trước hạn hơn 600 tỷ đồng
Hoàng Anh Gia Lai vừa thông báo đã hoàn tất mua lại trước hạn 605 tỷ đồng trái phiếu cho lô HAGLBOND16.26 tại Ngân hàng BIDV.
Ngày hoàn tất trả nợ là ngày 28/9/2022, nguồn tiền từ thu nợ HAGL Agrico và tiền từ HĐKD. Với việc trả nợ trước hạn lần này, dư nợ vay Công ty sẽ giảm còn khoảng 7.300 tỷ đồng.
Trong thông báo gần đây, đại diện HAG cho biết năm 2022 nếu thu hồi hết được gần 2.100 tỷ đồng nợ từ HNG, công ty có thể giảm tổng dư nợ ngân hàng xuống dưới 6.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cho biết, về lâu dài, HAG có thể bán tiếp các tài sản không sinh lời như Bệnh viện HAGL và một số tài sản trên đất khác, dự thu về hàng trăm tỷ đồng cũng để phục vụ việc trả nợ.
Năm 2024-2025 bầu Đức kỳ vọng HAG sẽ xóa hết nợ ngân hàng.
Lợi nhuận về đáy một năm, Thế Giới Di Động vẫn thu lãi hơn 9,5 tỷ mỗi ngày
Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) do đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm với doanh thu 92.283 tỷ và lợi nhuận sau thuế 3.176 tỷ đồng, tương đương mức lãi hơn 13,2 tỷ đồng mỗi ngày. Kết quả kinh doanh này lần lượt tăng 17% và 6% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đề ra cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện 66% về doanh thu, nhưng mới được 50% chỉ tiêu lợi nhuận.
Bách Hóa Xanh vừa vướng vào sự cố bán nấm Trung Quốc đội lốt hàng VietGAP
Như vậy trừ đi kết quả 7 tháng trước đó, MWG ghi nhận doanh thu tháng 8 khoảng 10.413 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ đồng trong tháng 8. Với khoản lợi nhuận này, trung bình mỗi ngày MWG thu lãi hơn 9,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của đại gia Nam Định cũng cho biết các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng 60% và 33% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19. Thực tế, con số này lại giảm tốc so với các tháng liền trước và về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Thêm đại gia Việt nhảy vào cuộc đua bán lẻ dược phẩm
Sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, phần lớn đơn vị kinh doanh phải thu hẹp quy mô thì các chuỗi nhà thuốc lại đua nhau mở mới cửa hàng.
Thời gian gần đây, 3 ông lớn tham gia cạnh tranh và mở rộng thị phần ngành dược sôi nổi nhất hiện là Pharmacity, Long Châu thuộc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) và An Khang thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (mã chứng khoán: MWG).
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) cũng liên tục rót vốn vào Dược phẩm Tipharco hay Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã chứng khoán: DGW) đầu tư vào Đại Tín Pharma…
Theo số liệu từ EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Ngành dược phẩm được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh cao khi có nhiều đại gia nhập cuộc.
"Gã khổng lồ" Shopee ngập ngụa trong thua lỗ
Tại Việt Nam, Shopee hiện diện ở mọi ngóc ngách của lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Shopee lại chìm trong thua lỗ.
Theo báo cáo tình hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính, năm 2020 doanh thu của Shopee đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Shopee đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, số nợ phải trả của công ty này lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm trước, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ gần 100%.
Doanh thu lớn nhưng Shopee đang thua lỗ nặng.
Điều này khiến vốn chủ sở hữu của Shopee đã âm gần 1.500 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lên tới hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Shopee âm hơn 1.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chỉ nộp ngân sách nhà nước 48 tỷ đồng trong năm 2020.
Năm 2021, doanh thu thuần của Shopee Việt Nam là gần gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần con số của năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Tuy nhiên, cùng với doanh thu tăng, khoản lỗ ghi nhận hàng năm của nền tảng này có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.400 tỷ đồng, đến năm 2020 là 1.600 tỷ đồng và năm 2021 là gần 800 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm hơn 2.200 tỷ đồng.