Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo Báo Đầu tư, về tình hình nợ xấu, tính đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1,44 triệu tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng đầu năm 2022 xử lý được khoảng 88.100 tỷ đồng nợ xấu.
Trong đó, tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao (chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý). Việc tự xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 399.700 tỷ đồng nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, thời gian qua đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể, có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu tại Nghị quyết 63/2022/QH15 của Quốc hội.
Năm 2023, mục tiêu của NHNN là triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu; tăng cường kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.