Thời kỳ “tiền rẻ” đã thực sự kết thúc khi gần đây các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, gây áp lực mạnh lên lãi suất cho vay. Xu hướng này khiến người gửi tiền mừng vì được hưởng lãi suất tốt, ngược lại người vay vốn lo lắng.
Đua nhau tăng lãi suất
Tăng trưởng huy động vốn hiện thấp hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay nên hàng loạt ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để huy động vốn nhàn rỗi từ khách hàng. Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng trần lãi điều hành từ ngày 23-9, cả bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn với biên độ 0,7%-1%/năm. Đây là nhóm ngân hàng lâu nay không tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất.
Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động mới nhất, bốn ngân hàng trên cùng nâng mức lãi suất thêm 1%/năm đối với các kỳ hạn tiền gửi dưới sáu tháng, lên mức 4,1%-4,4%/năm. Đối với các kỳ hạn từ sáu đến chín tháng, các ngân hàng này áp dụng lãi suất 4,7%/năm và 4,8%/năm, tăng 0,7%-0,8%/năm so với trước; đối với các kỳ hạn dài từ một năm đến trên ba năm, lãi suất ở mức 6,4%/năm.
Cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực. Qua đó để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Riêng với hình thức gửi tiền online, mức tăng lãi suất còn cao hơn nữa. Chẳng hạn, Vietcombank áp dụng mức lãi suất kỳ hạn từ một đến hai năm lên tới 6,8%/năm.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động như SHB, OCB, SeABank, VIB, Vietcapital Bank… Đáng chú ý, các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi ở hầu hết kỳ hạn với biên độ tăng khá cao 0,3%-1,1%/năm tùy từng kỳ hạn và tùy từng ngân hàng. Hiện mặt bằng lãi suất kỳ hạn một năm tại nhiều ngân hàng đã lên mức trên 7%/năm.
Riêng biểu lãi suất vừa công bố của Ngân hàng số VPBank lên đến 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi ba năm. Tương tự, MSB cũng đã nâng lãi suất huy động lên mức 8%/năm dành cho hình thức gửi tiền trực tuyến ở kỳ hạn hai năm và ba năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: TL
Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi đã tăng khoảng 1,1%-2%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng. Với các kỳ hạn từ sáu tháng đến một năm đã tăng khoảng 0,8%-1,5%/năm tùy từng ngân hàng. Giới phân tích kinh tế dự báo lãi suất tiền gửi sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kẻ vui, người lo
Lãi suất huy động tăng giúp người gửi tiền hưởng lợi. Chị Thu Thủy, nhà ở quận 9, TP.HCM, chia sẻ: Hồi tháng 3, sổ tiết kiệm gửi kỳ hạn sáu tháng của chị chỉ được hưởng lãi suất 5,9%/năm. Nhưng cách đây vài ngày, nhân viên ngân hàng nơi chị gửi tiền gọi điện thoại thông báo “nếu gửi tiếp thì lãi suất được hưởng lên 7%/năm, tức tăng tới 1,1%/năm so với hiện nay”.
“Với mức lãi suất này, sau sáu tháng, cuốn sổ tiết kiệm 800 triệu đồng của tôi sẽ được nhận tổng tiền lãi cuối kỳ gần 28 triệu đồng, tăng thêm khoảng 4,6 triệu đồng so với lãi suất cũ. Trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng… không còn hấp dẫn thì việc lãi suất tiền gửi tăng cao giúp những người gửi tiền hưởng lợi” - chị Thủy tính toán.
Ngược lại, những người đang vay tiền tại ngân hàng hoặc có kế hoạch vay vốn lo lắng vì chi phí vốn vay tăng lên. Ví dụ, biểu lãi suất của ACB cập nhật ngày 23-9 cho thấy lãi suất cho vay bằng tiền đồng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều đã tăng 1%/năm so với trước. Tương tự, tại ABBank hiện mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay là 8,8%/năm, trong khi hồi đầu năm chỉ khoảng 6,3%/năm.
Chị Hoài Anh, chủ một tiệm tạp hóa ở quận 5, TP.HCM, cho biết đang vay 950 triệu đồng tại một ngân hàng có trụ sở ở quận 1. Năm đầu lãi suất khoản vay được hưởng ưu đãi là 9,5%/năm, sang năm thứ hai bật lên 11,5%/năm và mới đây nhân viên ngân hàng báo lãi vay sẽ tăng lên 13%/năm từ đầu tháng 10.
“Lãi suất cho vay tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm cũng tăng theo. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng lại giảm khiến cho doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi khó khăn trăm bề” - chị Anh thở dài.
Chuyên gia tài chính Dương Anh Vũ cho biết NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí đầu vào, phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng cao, nhiều nước tăng lãi suất… thì mặt bằng lãi suất huy động tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng, qua đó lãi suất cho vay cũng buộc phải tăng theo.
Trong bối cảnh lãi suất tăng như hiện nay, Nhà nước cần triển khai nhanh gói hỗ trợ 2% lãi suất để có nguồn vốn rẻ cho người sản xuất, kinh doanh. Về phía các nhà sản xuất, kinh doanh cũng nên cân nhắc, tính toán để có thể sử dụng hiệu quả hoặc hạn chế sử dụng vốn vay.
Lý do hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho biết tính đến ngày 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54%, tức tương đương gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng tiếp tục nới rộng khiến lãi suất huy động chính thức thiết lập mặt bằng mới và chấm dứt thời kỳ “tiền rẻ”. Việc huy động vốn có dấu hiệu chững lại cũng gây áp lực thanh khoản cho nhiều ngân hàng, trong bối cảnh chênh lệch giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng ngày càng rộng. Đây là lý do khiến các ngân hàng đua nhau hút tiền gửi bằng cách tăng lãi suất huy động thời gian qua và đặc biệt tăng mạnh ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định trước các rủi ro bất định gia tăng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Đơn vị này dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5-2,0 điểm phần trăm so với giai đoạn dịch bệnh. Trong bối cảnh này, lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng dù có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.