Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5-2% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, với hai kịch bản tăng trưởng.
Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%.
Trong kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, tương đương mức tăng trưởng bình quân quý IV các năm 2016-2020.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP quý III tăng 13,67%. Tính chung 9 tháng, kinh tế tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011; CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 09 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 09 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Ngoài ra sản xuất công nghiệp phục hồi tốt; thương mại, dịch vụ đang phục hồi nhanh, nhất là sức cầu trong nước; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc.
Về giải pháp những tháng cuối năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần theo dõi sát diễn biến, tình hình thế giới, những vấn đề mới nổi, lạm phát và việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, giá xăng dầu, khí đốt, vật tư chiến lược.
Từ đó chủ động dự báo, xây dựng kịch bản để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 rất nặng nề, lượng vốn cần giải ngân cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng so với năm 2021 (chưa tính khoản 38.000 tỷ đồng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH).
Do vậy, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chuẩn bị sớm tất cả các điều kiện để khởi công, thực hiện ngay được các dự án ngay từ đầu năm 2023.