Nghĩ lại cả quãng thời gian kể từ khi lấy chồng đến nay, chị Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (50 tuổi) than thở: "Nhiều lúc tôi thấy ông trời bắt tội mình quá nhiều".
Vợ chồng chị xưa nay mưu sinh bằng nghề làm thuê cuốc mướn ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. "Hồi mang bầu con trai đầu năm 1996, hai vợ chồng mỗi ngày chia nhau vài quả cà muối mặn cùng bọc cơm rồi đi làm thuê. Thằng con sinh non 2,1 kg, sau bị đường ruột, còi cọc suy dinh dưỡng kéo dài", chị Hạnh nhớ lại.
Từ lúc chào đời cho đến khi cậu bé Hữu Long 10 tuổi, hai mẹ con năm nào cũng rong ruổi khắp bệnh viện tuyến huyện rồi tỉnh, chữa bệnh nhu động mạch ruột, căn bệnh mà người mẹ cho là "do tui ăn quá nhiều cà khi mang thai nó".
Lớn lên, bệnh tình của Hữu Long thuyên giảm. Năm 2008, hai vợ chồng để dành được một khoản tiền, bàn nhau sinh thêm con cho cậu bé có anh có em. Tháng 7/2009, cô bé Phan Huỳnh Hữu Nguyên ra đời khỏe mạnh.
Niềm vui thêm con chưa được bao lâu, đầu năm 2011, chị Hạnh đi khám, được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn hai. Nhà thuộc hộ nghèo, hai con còn nhỏ, giờ lại bệnh tật khiến người mẹ mất ăn mất ngủ, một tháng sụt 7 kg. Nhưng khát vọng được sống để nuôi con mãnh liệt hơn tất cả. Chạy vạy vay mượn hết anh em họ hàng được 20 triệu đồng, gia đình đưa chị lên viện mổ khối u, tiếp đến là thời kỳ dài xạ trị rồi hóa trị.
Thời điểm mẹ mắc bệnh, bé Phan Huỳnh Hữu Nguyên mới 28 tháng tuổi. Mỗi lần lên thành phố chữa bệnh, hai vợ chồng chị Hạnh phải rình lúc con ngủ say để trốn đi, nếu không Nguyên sẽ chạy theo khóc đòi đi cùng. Mẹ chữa bệnh xa nhà lâu ngày, mỗi khi về, cô bé lại ngồi chầu chực cạnh giường, mệt thì ngủ gục chứ nhất quyết không đứng dậy vì sợ mẹ lại đi.
Dù ít tuổi nhưng mỗi khi mẹ nôn do kích ứng thuốc, Nguyên đã biết cách mang chậu đi đổ rồi rửa lại sạch sẽ. Mẹ kêu đau mỏi người, cô bé dùng bàn tay nhỏ xíu gắng sức xoa bóp. "Có hôm bố đi làm, anh đi học, trên bếp có nồi thịt kho. Đến bữa trưa, con bé muốn lấy thịt cho mẹ nhưng không với tới, cứ đứng dưới khóc", chị Hạnh nhớ lại thời điểm đầu mắc bệnh, nằm liệt giường.
May lúc sau có người hàng xóm đi qua, nhấc giúp nồi thịt xuống đất. "Lúc đó Nguyên vui lắm, nó xúc lấy xúc để thịt cho vào bát cơm rồi chạy mang lên cho mẹ, giục ăn", chị Hạnh kể.
Năm 2012, sức khỏe chị Hạnh tốt dần lên nhưng không thể làm việc nặng nên ở nhà nội trợ rồi xin vào làm cấp dưỡng một trường mầm non với lương tháng 2,5 triệu đồng
Tháng 12/2021, một tai họa khác ập xuống gia đình. Môi trên của bé Nguyên bất ngờ nổi một cục cứng to bằng đầu đũa. Đưa con gái lên thành phố sinh thiết, kết quả u lành tính, chị thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hai tháng, trên môi cô bé lại xuất hiện thêm hai cục cứng nữa, ngày càng sưng to và đen kịt lại, lật lên mặt trong đỏ như máu. Lần này, bác sỹ chẩn đoán cô bé bị u niêm mạc má ác tính.
Chẩn đoán của bác sĩ như tiếng sét ngang tai với cả gia đình. Chị Hạnh vội bán chiếc xe máy đang đi cùng tất cả những gì giá trị trong nhà, vay mượn khắp nơi để lo 100 triệu cho ca mổ của con vào tháng 8/2022. Giờ hai mẹ con đang thuê một căn phòng nhỏ gần Bệnh viện Ung bướu TP HCM, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ.
"Mấy ngày nay, khối u gây đau buốt từ mũi trở xuống khiến việc ăn uống của Nguyên gặp khó. Con chỉ uống được sữa và cháo loãng, mỗi lần ăn cũng phải vén môi lên để đổ thức ăn vào", người mẹ chia sẻ.
Dù mặt, mũi miệng đều rất đau, nhưng Nguyên chưa khi nào kêu khóc một câu, cũng không bỏ bữa để đủ sức khỏe cho những lần xạ trị tiếp theo. Mỗi khi cơn đau dịu lại, cô bé 13 tuổi lại chong đèn, lấy chiếc gối kê làm bàn học, bật điện thoại nghe lại bài giảng được thu lại của thầy cô trên lớp.
"Nguyên rất chăm chỉ và nỗ lực. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi xuất sắc của trường", cô giáo Trần Thị Thanh Vân, chủ nhiệm lớp 8A1, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận nhận xét về cô trò nhỏ.
Tuần đầu xạ trị trên thành phố, vì con nhớ trường nhớ lớp, nên trưa thứ sáu, chị Hạnh lại bắt xe về quê, cho Nguyên đến trường buổi cuối tuần cùng bè bạn. Nhưng tiền đi lại tốn kém, giờ hai mẹ con đành ở miết trong phòng trọ, Nguyên chỉ được học qua điện thoại. Thỉnh thoảng người mẹ nhìn thấy con lau trộm nước mắt khi ở một mình, những lúc như vậy chị chỉ biết quay đi, nén tiếng thở dài.
Chị Hạnh thở dài không chỉ vì đau đớn bệnh tật, mà bản thân chị cũng chẳng biết tương lai có thể tiếp tục điều trị cho con được nữa không. Nhà cửa những gì giá trị đã bán hết. Người chồng lại mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, ngày nào cũng phải thoa thuốc nén đau đi cuốc đất làm thuê. Con trai cả, trước ngày em gái đi mổ khối u cũng ngã từ trên mái nhà xuống gãy chân, ba tháng nay vẫn nằm bất động trong nhà.
"Nhiều lúc thấy đời mình sao khổ quá nhưng lại nghĩ, dù sao mọi người vẫn đang được bên nhau nên lại tiếp tục cố gắng", bà mẹ ngoài 50 tuổi chia sẻ.
Hành trình xạ trị của Nguyên hiện mới được nửa chặng đường, nhưng cô bé đã tính sau khi về nhà, việc đầu tiên làm là cắt bộ tóc dài, ủng hộ các em nhỏ đang nằm điều trị tại Bệnh viện ung bướu TP HCM.
Nghe nguyện vọng của con, chị Hạnh hỏi: "Con không thấy tiếc bao năm nuôi tóc sao?". Nguyên vuốt mái tóc của mình, trả lời: "Tóc cắt rồi sẽ mọc lại. Con muốn các em sẽ có một mái tóc đẹp để luôn tự tin và tiếp tục chiến đấu với bệnh tật như con".
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.