Thời sự

Cục trưởng Cục Báo chí: Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, sáng 14/4 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.

Tại diễn đàn, đánh giá về mức độ chuyển đổi số với các cơ quan báo chí hiện nay, theo TTXVN, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng hiện nay nhiều cơ quan đã có ý thức về chuyển đổi số, nhưng có điều lo ngại là họ chỉ nghĩ đơn giản rằng có trang web, trang điện tử đã là lên không gian số.

"Hiện một số báo cũng đã mở chức năng comment cho độc giả, nhưng lại không nắm được dữ liệu của độc giả, như vậy vẫn là chuyển đổi số chưa thành công, mới chỉ ở bề mặt”, ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Cục trưởng Cục Báo chí phân tích thêm, hiện có sự thay đổi từ mô hình tổ chức đến làm báo, chúng ta phải chấp nhận sự tương tác, giám sát thậm chí lắng nghe phản biện rất mạnh từ cộng đồng; chúng ta cũng không phải là nguồn duy nhất phát thông tin nữa. Vì vậy phải chuẩn bị cho một tâm thế làm báo kiểu khác. Ông cho rằng đây là điều mà nhiều cơ quan chưa sẵn sàng.

"Điều khó nhất chúng ta chưa dám “đụng vào” là mô hình tổ chức vì điều này liên quan đến con người, quyền lợi và rất nhiều vấn đề. Bởi vậy, nhiều cơ quan kể cả cơ quan lớn nói về chuyển đổi số để trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện rất hay, nhưng mô hình tổ chức gần như giữ nguyên.

Chúng ta phải chấp nhận sẽ có những bộ phận nếu ko thay đổi sẽ không còn chỗ trong cuộc chơi chuyển đổi số. Đó là khó khăn chúng ta phải tháo gỡ dần dần”, ông nhấn mạnh.

Về vai trò quản lý của Nhà nước trong chuyển đổi số với các cơ quan báo chí, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Nhà nước có vai trò tham gia hỗ trợ, dẫn dắt trong những vấn đề mà tự cơ quan báo chí không thể làm được, nhất là đầu tư nhà nước vào hạ tầng cho báo chí trên không gian số.

Ông Lâm cho biết trước đây Nhà nước hỗ trợ rất lớn để đầu tư hạ tầng vật lý cho các cơ quan báo chí như trụ sở làm việc, nền tảng phát sóng, hệ thống phát hành,… thì Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đầu tư cho báo chí như vậy trên không gian số.

Sắp phê duyệt chiến lược chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí

Theo VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, sẽ có một chiến lược chuyển đổi số riêng cho báo chí. Chiến lược chuyển đổi số này sẽ giải quyết các bài toán khó cho các cơ quan báo chí. Dự kiến, chiến lược chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí sẽ được phê duyệt trong tháng 5 tới.

Mặc dù hiện nay Chiến lược chuyển đổi số báo chí chưa được phê duyệt nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định trong năm 2022 dự kiến sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số, trong đó riêng khối báo chí chiếm gần 1 nửa, khoảng từ 3.000-5.000 người.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn. (Ảnh: VnEconomy).

Về định hướng chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, có 2 mảng rất rõ. Thứ nhất là quản trị nội bộ, văn bản, giấy tờ, giao việc, quản trị nhân sự, kinh tế tài chính cơ quan báo chí. Khi chuyển đổi số xong mảng này khá ổn định và chi phí đầu tư không quá lớn vì đều đã có sẵn nền tảng. Tuy nhiên, chuyển đổi số mảng sản xuất, quản lý và lưu trữ nội dung đòi hỏi cần phải nguồn đầu tư lớn.

Trong chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, đã có định hướng cụ thể những vấn đề liên quan nền tảng cho quản lý sản xuất, lưu trữ nội dung. Khi chiến lược chuyển đổi số báo chí được phê duyệt, Bộ sẽ bắt tay vào triển khai theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng.

Theo ông Tuấn, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là đầu tư nền tảng lớn cho 6 cơ quan báo chí chủ lực. Ví dụ với đài Truyền hình Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng một nền tảng sản xuất và quản lý nội dung cho truyền hình. Sau đó, các đài truyền hình địa phương sẽ ứng dụng dùng chung trên nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Hoặc như Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phải xây dựng nền tảng phát thanh và các đài địa phương kết nối dùng chung. Việc làm này sẽ đảm bảo hiệu quả, không bị lãng phí nguồn lực. Các đơn vị ở địa phương sẽ không phải nhà nhà đầu tư và đi làm chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự kiến trong tuần tới sẽ làm việc với một số doanh nghiệp công nghệ để bắt tay cùng cơ quan báo chí nghiên cứu xây dựng ngay các nền tảng dùng chung cho một số cơ quan báo chí vừa và nhỏ để triển khai thí điểm, thử nghiệm vấn đề chuyển đổi số trong nội bộ, ở cả mảng quản trị và nội dung…

Công nghệ, chi phí đầu tư và con người - ba thách thức lớn trong chuyển đổi số trong báo chí

Cũng tại diễn đàn, theo TTXVN, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, thực tế hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, nhiều cơ quan cho rằng chỉ đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm có nghĩa là họ đã trên con đường chuyển đổi số nhưng thực ra không phải như vậy.

Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

Ông Lê Quốc Minh - Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Ông cũng nhấn mạnh một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo.

"Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một “thế giới không cookie” thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp sản phẩm in/digital”, báo Tiền phong dẫn lời nhà báo Lê Quốc Minh.

Trong khi đó, theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ, cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”. Khi bạn đọc lên mạng, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bạn đọc lên mạng, sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Vì vậy, báo chí muốn lên mạng thì cần phải chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua ba thách thức lớn là: Công nghệ, chi phí đầu tư và con người. 

Ông Trung cho rằng, nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Trong đó thách thức quan trọng nhất là con người, đội ngũ. “Khi Tuổi Trẻ muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm