Gucci đang theo đuổi chiến lược nâng tầm với việc triển khai các "salon" - không gian cố định ở các cửa hàng độc lập hoặc flagship (cửa hàng hàng đầu, lớn và hiện đại, sang trọng nhất) của thương hiệu. Tại đây, nhà mốt Italy sẽ cung cấp các dịch vụ cao cấp như váy bán thời trang và các kiện hành lý đặt làm riêng, sản phẩm cao cấp.
Chiến lược theo đuổi khách hàng siêu giàu có
Theo Reuters, đối tượng khách hàng mà thương hiệu thời trang này hướng đến là những người cực kỳ giàu có - những người mà tài sản của họ gần như không bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế. Do vậy, giá dịch vụ cũng cao cấp không kém.
"Không có thứ gì dưới 40.000 euro (hơn 1 tỷ đồng) và sẽ lên tới 3 triệu euro (gần 76 tỷ đồng) cho đồ trang sức cao cấp", tỷ phú François-Henri Pinault (ông chủ của Kering, tập đoàn sở hữu Gucci) cho biết.
Gucci Salon độc lập đầu tiên sẽ được khai trương trên Đại lộ Melrose (Los Angeles, Mỹ) vào tháng 4, một số salon mới sẽ nằm trong các cửa hàng hiện có.
Nhà mốt sẽ cung cấp cho các salon một số quần áo, đồ nội thất và đồ trang sức cao cấp nhất. Ảnh: EPA-EFE.
Việc thương hiệu tập trung vào những khách hàng giàu có nhất là yếu tố quan trọng trong chiến lược tăng trưởng, sau khi doanh số bán hàng của thương hiệu này giảm 14% ở quý IV/2022, xuống còn 2,73 tỷ euro (hơn 69 nghìn tỷ đồng). Lý do cho vấn đề này là các biện pháp hạn chế Covid-19 tại thị trường Trung Quốc và nhu cầu giảm đối với quần áo của nhà mốt tại Mỹ.
"Chúng tôi đang tìm kiếm sự cân bằng tốt nhất giữa hai yếu tố. Một bên là 'vượt thời gian', những món đồ vượt thời gian đặc trưng, có chất lượng cao và trung thành với di sản của thương hiệu, có khả năng quyến rũ nhóm khách hàng trưởng thành với sức mạnh kinh tế to lớn.
Mặt khác là thời trang, yếu tố khao khát có lẽ thu hút khán giả trẻ hơn. Mỗi đề xuất chúng tôi đưa ra phải chứa đựng hai khía cạnh này, thách thức là tìm ra sự cân bằng phù hợp", chủ tịch Pinault chia sẻ.
Trong khi đó, bộ phận thời trang và đồ da của tập đoàn LVMH, bao gồm cả Louis Vuitton, đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 10% trong cùng kỳ.
Chủ tịch François-Henri Pinault và ngôi sao K-Pop Kai tại buổi trình diễn nam FW23 của Gucci. Ảnh: Daniele Venturelli.
"Triều đại" mới của Gucci
Giám đốc sáng tạo mới của hãng - Sabato De Sarno (từng làm việc cho Valentino) - sẽ nắm quyền lãnh đạo trong quý II. Anh sẽ trình làng bộ sưu tập đầu tiên với tư cách này vào tháng 9 tại Milan (Italy) và sẽ có mặt tại các cửa hàng vào đầu năm 2024. Vì vậy trong khoảng thời gian đó, nhà mốt chịu áp lực phải đảm bảo rằng hãng không mất động lực bán hàng và lợi nhuận.
Về việc lựa chọn nhà thiết kế này, chủ tịch Pinault cho biết: "Hướng đi của Gucci không thể không nằm trong tay những nhà thiết kế giỏi nhất thế giới. Nhưng trước hết chúng tôi quan tâm đến việc thiết lập một quy tắc cho ngôi nhà, tập hợp các yếu tố khiến Gucci trở thành thương hiệu không thể nhầm lẫn. Người đàn ông của chúng tôi phải thích nghi với ngôi nhà, chứ không phải ngược lại."
Theo ông chủ của Kering, thương hiệu không chỉ đợi Sabato De Sarno tới, mà còn sẽ quảng bá cuộc triển lãm các tài liệu lưu trữ trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, điểm dừng chân đầu tiên là Thượng Hải (Trung Quốc), đồng thời tăng cường sự hiện diện trên sàn catwalk. Ông Pinault cho biết đây là cách làm tinh tế để giới thiệu di sản của thương hiệu, vốn không được nhiều người biết đến.
Buổi trình diễn trang phục nam Thu Đông 2023-2024 của Gucci tại Milan, ngày 13/1. Ảnh: Reuters.
Gần đây nhất, thương hiệu đã trở lại Tuần lễ thời trang nam với bộ sưu tập Thu Đông 2023 tại Milan. Vào tháng 5 tới đây, nhà mốt sẽ giới thiệu bộ sưu tập nghỉ dưỡng tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Bị đối thủ vượt mặt
Tỷ phú Pinault thừa nhận rằng kết quản năm 2022 của Gucci, chiếm hơn ½ doanh số bán hàng và ¾ lợi nhuận của tập đoàn, đã không đạt kỳ vọng của ông.
Trong khoảng thời gian năm 2015-2019, lợi nhuận của Gucci tăng gấp 4 lần khi doanh số bán hàng gần như tăng gấp 3. Điều này có được là nhờ sự phổ biến của các thiết kế lập dị nhưng linh hoạt của cựu giám đốc sáng tạo Alessandro Michele.
Dẫu vậy, thương hiệu này đã đánh mất phần nào lượng người tiêu dùng. Trong khi đó, các đối thủ Louis Vuitton (LV) và Hermès của LVMH vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ, bất chấp lạm phát và bất ổn kinh tế.
Doanh thu của Gucci giảm 14% trong ba tháng cuối năm 2022. Ảnh: Dickson Lee.
Những người trong ngành xa xỉ cho biết nhãn hiệu này đã phải vật lộn để lấy lại vị thế kể từ khi rút lại các khoản đầu tư tiếp thị trong thời kỳ đại dịch. Mặt khách, LV và Dior (cũng thuộc LVMH) đã vượt lên dẫn trước, giành được thị phần quý giá.
Louis Vuitton lần đầu tiên vượt mốc doanh thu 20 tỷ euro, gần gấp đôi so với Gucci vào năm 2022. Ngoài ra, thương hiệu này vừa có cú đột phá lớn khi bổ nhiệm rapper Pharrell Williams vào vị trí giám đốc sáng tạo trang phục nam. Buổi trình diễn đầu tiên của anh được lên kế hoạch vào tháng 6.
Người mua sắm xếp hàng để vào cửa hàng Louis Vuitton ở Tsim Sha Tsui (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 12/2. Ảnh: Oscar Liu.
Theo Vogue Business