Bàn chân đái tháo đường là bàn chân của các bệnh nhân bị tiểu đường có nguy cơ bị tổn thương bệnh lý gồm nhiễm khuẩn, loét hoặc phá hủy các mô sâu liên quan bất thường về thân kinh, thậm chí là cắt cụt chi.
Đáng nói, theo thống kê cứ 30 giây trên thế giới lại có một người bị cắt chi do biến chứng của bệnh tiểu đường và tỷ lệ sống sau 5 năm ở người tiểu đường bị cắt chi chỉ khoảng 50%.
7 dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở chân
Theo GS Thái Hồng Quang – Nguyên Giám đốc Học viện Quân y 103, Phó Chủ tịch hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, biến chứng tiểu đường ở chân có thể gây ra những dấu hiệu sớm như:
Tê bì bàn chân
Đây là triệu chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất. Người bệnh bị tê ở các đầu ngón chân như bị kim châm, sau đó lan ra các phần còn lại của chân
Khô ngứa da, chai chân
Do giảm lưu thông mạch máu dưới da kết hợp quá trình bài tiết mồ hôi nên người tiểu đường sẽ thấy khô ngứa da, sau đó là bong tróc, dày sừng và hình thành các vết chai sạn ở chân. Khi vết chai sạn dày lên, sẽ gây nứt nẻ và viêm loét.
Bàn chân bị hoại tử vì biến chứng tiểu đường. Ảnh: BV Hồng Ngọc
Nóng rát da
Cảm giác nóng, bỏng rát thường xuất hiện ở lòng bàn chân hoặc đầu các ngón chân
Chuột rút hoặc đau nhức
Chuột rút do bệnh tiểu đường không giống như cơn chuột rút thông thường, người bệnh có thể không nhìn thấy cơ bắp bị co thắt mà bị đau đớn.
Nguyên nhân là do đường huyết cao gây tổn thương thần kinh ngoại vi và ảnh hưởng đến cơ bắp, gây triệu chứng chuột rút, đau nhức cơ bắp, nhất là lòng bàn chân.
Vết thương, vết loét lâu lành
Loét bàn chân tiểu đường là một trong những biến chứng tiểu đường nguy hiểm, có thể xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái với tỷ lệ tử vong cao gần bằng ung thư và HIV – AIDS. Nguyên nhân gây loét chân ở người tiểu đường là do điều trị không đúng cách khi có các vết thương nhỏ, dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử. Nhiều người đã phải đoạn chi chỉ vì một vết xước nhỏ.
Đáng nói, vết thương sẽ lâu lành hơn so với người bình thường, kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đồng thời, chân có thể bị nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, hoại tử ngón chân...Do vậy, cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng.
Biến dạng bàn chân tiểu đường
Nếu cơ bắp ở chân của người bệnh bị yếu đi do bệnh tiểu đường tuýp 2 thì sẽ có dáng đi bất thường, áp lực tăng mạnh lên các ngón chân gây ra biến dạng ngón chân. Ngón chân của người bệnh sẽ bị cong hoặc gấp khúc giống như những chiếc búa nhỏ.
Móng chân bệnh nhân tiểu đường hóa sừng
Nhiễm nấm móng chân hoặc kẽ chân
Chỉ đơn giản nếu người bệnh sau khi rửa chân không lau khô có thể bị nhiễm nấm và từ đó, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh. Móng chân nhiễm nấm cũng rất nguy hiểm, thường sẽ bị hóa sừng, chuyển sang màu vàng hoặc trắng đục, dễ bị gãy, bong,…
Cách chăm sóc bàn chân đái tháo đường
Người bệnh nên rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày và tuyệt đối không ngâm chân. Sau đó lau thật khô bằng khăn mềm, nhất là ở kẽ ngón chân. Nếu vùng da bị khô, có thể tham khảo ý kiến bác sỹ để sử dụng loại kem dưỡng ẩm phù hợp, tránh bị bong tróc dẫn đến viêm loét.
Người bệnh tiểu đường cần kiểm tra chân mỗi ngày để xem có bị chai, xuất hiện vết loét, mụn nước, đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác.
Kiểm tra móng chân một lần một tuần. Cắt móng chân thường xuyên, sau khi cắt thì làm mịn móng chân bằng giũa móng. Mang giày đúng cỡ để đảm bảo máu ở chân được lưu thông; kiểm tra giày mỗi khi mang để xác định không có vật nhọn làm tổn thưởng chân vì vết thương sẽ rất lâu khỏi.
Làm theo lời khuyên của bác sỹ về dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc và giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi được chỉ định.
Tổng hợp