Doanh nghiệp

COVID-19 xóa tên hàng loạt trường mầm non

Làn sóng “bán tháo” trường mầm non

Hơn 15 năm gắn bó với giáo dục mầm non, chị Kiều Nga, chủ một trường mầm non tại Tân Bình, TP.HCM, nghẹn ngào khi đặt bút ký vào tờ trình giải thể trường mầm non của mình vì ảnh hưởng của COVID-19.

Chị Nga cho biết, mỗi tháng chị phải đóng 30 triệu tiền thuê mặt bằng trong khi doanh thu không có. Thời điểm viết tờ trình giải thể trường mầm non, chị Nga còn đang gánh thêm khoản nợ lên đến 250 triệu.

“Thời gian đầu giãn cách, chủ nhà đồng ý giảm 50% tiền thuê mặt bằng. Song dịch bệnh kéo dài quá, họ cũng gặp khó khăn về tài chính. Càng lúc mức giảm càng ít đi. Tôi phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền mong duy trì hoạt động của trường nhưng không nổi. Tôi ‘sức cùng lực kiệt’ rồi, đành giải thể trường thôi.”

Chung tình cảnh như chị Nga là chị Phương Loan, chủ một trường mầm non tư nhân tại Tân Uyên, Bình Dương do không gánh nổi khoản tiền thuê mặt bằng 20 triệu đồng/tháng, chị quyết định sang nhượng lại trường với mức giá rẻ.

Chị Loan cho biết đã bỏ gần 1 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non này. Trường có 5 phòng học khang trang, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại. Trước dịch, trường từng là nơi sinh hoạt và vui chơi của hơn 100 em nhỏ.

Hiện chị Loan đang rao bán trường với giá 300 triệu (đã bao gồm cơ sở vật chất). Mặc dù chấp nhận khoản lỗ lớn như vậy nhưng chị rất sốt ruột vì “đến nay chưa ai liên hệ”. Nếu vài ngày tới vẫn không có người mua, chị sẽ tính đến chuyện giải thể trường.

 COVID-19 xóa tên hàng loạt trường mầm non - Ảnh 1.

Hàng loạt trường mầm non bị rao bán, sang nhượng trên MXH. (Ảnh chụp màn hình)

Theo khảo sát, phần lớn các trường mầm non bị giải thể, rao bán có quy mô nhỏ, vốn mỏng, không có nguồn dự phòng, 60-70% doanh thu dành cho chi lương cho giáo viên. Chỉ sau vài tháng đóng cửa vì dịch bệnh, những cơ sở này nhanh chóng khánh kiệt.

“Tới bốn lần phải nghỉ học vì bùng dịch đã quá sức của chúng tôi. Rất ít các cơ sở mầm non tư thục có nguồn vốn dự trữ vì quy mô nhỏ, nguồn thu không nhiều trong khi thường xuyên phải đầu tư để thay đổi, làm mới, từ việc đưa giáo viên đi học bồi dưỡng đến trang bị cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phụ huynh và thu hút học sinh.”, chị Loan chia sẻ.

Từ bỏ nghề “gõ đầu trẻ” vì mưu sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh, có 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Chị Thanh Hương (quê Bạc Liêu) từng là giáo viên tại một trường mầm non tại Q.12, TP.HCM. Chị cho biết, từ cuối tháng 6 đến tháng 10/2021, chị hoàn toàn không có lương do trường mầm non nơi chị làm việc đóng cửa. Chồng chị làm việc cho một khách sạn cũng phải nghỉ không lương dài hạn vì dịch bệnh.

Vừa mới sinh con đầu lòng nên hai vợ chồng có rất nhiều khoản phải chi. Từ tiền sữa, tã bỉm đến thuốc men cho con. Gánh nặng chi phí càng thêm đè nặng lên hai vợ chồng chị.

“Chỉ vài tháng mà số tiền hai vợ chồng tiết kiệm trong nhiều năm đã gần như không còn”, chị Hương nói.

Không thể kham nổi cuộc sống tại thành phố, ngay khi có chỉ thị “gỡ rào” hồi tháng 10/2021, vợ chồng chị đã mau chóng khăn gói trở về quê để tìm hướng đi khác. Bản thân chị Hương vẫn muốn khi trở về quê có thể tiếp tục theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ”.

Khác với chị Hương, nhiều giáo viên mầm non dù rất yêu nghề nhưng đành chọn hướng đi khác vì nỗi lo mưu sinh. Những người vốn đã quen với việc dạy dỗ và vui chơi với trẻ em, nay trở thành thợ làm nail, shipper, công nhân, người bán hàng online, cò đất… để kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống.

Nhiều trẻ mẫu giáo không có trường học

Theo bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tính đến cuối tháng 2/2022, cả nước đã có hơn 500 trường mầm non tư thục giải thể. Chỉ tính riêng TP.HCM đã có khoảng 150 trường.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, các trường mầm non tư thục đang đảm nhiệm chăm sóc cho 22,3% trẻ em ở độ tuổi đến trường. Uớc tính sẽ có khoảng 1,2 triệu trẻ em không có trường học do làn sóng giải thể chưa từng có của các trường mầm non do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ ngày 14/2, TP.HCM chính thức cho phép trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi được đến trường. Vì thế nên nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi này sốt sắng tìm trường mới cho con vì trường cũ đã đóng cửa.

Anh Tuấn Tú (TP.HCM) là một trong số đó. Khi chỉ thị này được ban hành, anh đã gấp rút tìm trường mới cho con vì trường gần nhà đã dừng hoạt động nhiều tháng. Tuy vậy việc này không hề dễ dàng.

“Trường gần nhất cũng cách nhà tôi hơn 2km, lại ngược hướng đến nơi tôi làm việc. Thành ra sáng nào tôi và cháu cũng rời khỏi nhà từ lúc 6h30 để đưa cháu tới trường rồi vòng ngược lại để đến cơ quan.” Anh Tú nói.

Trước đó, vợ anh phải nghỉ ở nhà để chăm sóc con, kinh tế gia đình phụ thuộc hết vào đồng lương của anh. Hiện tại vợ anh đã tìm được việc làm nên vợ chồng anh buộc phải gửi con tại trường mẫu giáo để đi làm. Mặc dù bất tiện nhưng anh Tú cho biết, phải cố gắng thích nghi dần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm