Bất động sản

Sốt đất nơi này "xì hơi", nhà đầu tư “bỏ cọc chạy lấy người”

Giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021, Bắc Ninh trở thành một trong những thị trường bất động sản sôi động tại phía Bắc. Có thể nói đây là chu kỳ tăng nóng giá nhà đất tại Bắc Ninh, nhiều khu vực giá đất đã tăng nhiều lần. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã kiếm bội tiền từ khu vực này.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS) cho thấy, trong quý 3/2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Bắc Ninh vẫn là một trong những địa phương có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất. Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tới thị trường này tăng 7% so với quý trước.

Đến quý 4/2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Bắc Ninh vẫn có tốc độ giao dịch tốt và mức giá tăng từ 20-50%. Đáng chú ý, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng giá gần 100% so với năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm và lượng tin đăng tại thị trường Bắc Ninh cũng tăng cao. Giá bất động sản vẫn trong xu hướng tăng. Đáng chú ý, tại huyện Thuận Thành, giá đất bất ngờ tăng đột biến.

Cụ thể, tại một dự án hình thành cách đây hơn chục năm, trong cơn sốt giai đoạn 2020-2021, giá đất tại dự án này đã tăng gấp 2-3 lần. Sau đó, giá đất đi ngang. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, giá đất tại đây rục rịch tăng. Đặt biệt tầm giữa tháng 3/2022, giá đất nền dự án đã tăng 3-5 giá trong vòng một ngày.

Sốt đất nơi này xì hơi, nhà đầu tư “bỏ cọc chạy lấy người” - Ảnh 1.

Hiện, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc khi mua những lô đất trong lúc "sốt".

Chị Vũ Hồng - môi giới tại địa bàn huyện Thuận Thành cho hay: “Sốt đất trở lại do một số “cá mập” tạo sóng “lùa gà”. Giá đất nhảy múa, số lượng giao dịch đột biến do giới đầu cơ “lướt sóng” mua đi bán lại qua tay liên tục. Họ đặt cọc từ 150-200 triệu và có thời gian 15-20 ngày để chuẩn bị nộp tiền, làm hợp đồng mua bán”.

Tuy nhiên, chị Hồng cho hay, trong thời gian đó, họ lại tìm người khác mua để sang tay. Mỗi lần qua tay, người này đã lãi từ 100-150 triệu/lô đất chỉ trong vòng chục ngày với những phi vụ trót lọt. Còn có những lô đất không tìm được nhà đầu tư để sang tay, họ cho người bắn tin giá đất đang tăng, lô đất với vị trí đẹp như thế thì giá còn tăng. Chủ đất thấy vậy, liền bẻ cọc và kết quả phải đền tiền cho họ.

“Đáng chú ý, cơn “sốt đất” đợt này nhanh chóng “xì hơi”. Sau vài ngày tăng nóng, giá đất chững lại, người mua không có. Lúc này những nhà đầu tư mới ngã ngửa biết đây chỉ là “sóng ảo”, giá đất bị "thổi". Nhiều người chấp nhận bỏ cọc và đền tiền cọc còn hơn xuống tiền cầm "hòn than" nóng đó, biết đâu mình lại là người cuối cùng cầm mà không sang tay cho người khác được thì việc "bỏng tay" là đương nhiên”, chị Hồng chia sẻ.

Nói kỹ hơn về quyết định bỏ cọc của nhiều nhà đầu tư, chị Hồng cho rằng do giá đất khu vực này đã tăng cao trong thời gian vừa qua. Cho nên, nếu mua vào nhà đầu tư dễ dàng bị kẹp hàng, chôn vốn.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian này, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong 9-12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất trễ, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra”.

Ông Khương khuyến nghị, đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm