Cuối ngày 2/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cùng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) tham gia mua vàng từ NHNN để bán trực tiếp tới người dân.
"SJC được NHNN lấy thương hiệu để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC. Việc tham gia của SJC sẽ bổ sung thêm số lượng đơn vị tham gia bán vàng trực tiếp tới người dân", NHNN nhấn mạnh.
Đến sáng nay (3/6), NHNN công bố mức giá bán vàng miếng cho nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (nhóm Big 4) và SJC là 78,98 triệu đồng/lượng.
NHNN không đưa ra biên độ cụ thể mà các ngân hàng và doanh nghiệp này bán ra cho người dân là bao nhiêu. Trong thông báo trước đó, cơ quan này cho biết, căn cứ vào giá mua từ NHNN, các ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC sẽ xác định, công bố giá bán vàng miếng trên website và tại các địa điểm bán vàng.
Trước đó, các ngân hàng trong nhóm Big 4 tuyên bố sẽ bán vàng “không lợi nhuận” nhằm mục đích bình ổn thị trường.
SJC tiền thân là Công ty Vàng bạc thành phố được thành lập theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TPHCM ngày 17/9/1988. Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9 bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng.
Tháng 3/1993, công ty đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý thành phố (Saigon Jewelry Company). Vào tháng 12 cùng năm, công ty mở chi nhánh ngoài TP HCM đầu tiên tại Hà Nội.
Công ty chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con và đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC vào tháng 8/2003. Trong giai đoạn 2003 - 2006, SJC hoàn tất cổ phần hóa 10 công ty con.
Tháng 6/2010, công ty có tên mới là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Saigon Jewelry Company limited).
Từ năm 2012, SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, việc sản xuất vàng miếng theo đó quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu.
SJC hiện là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc UBND TP HCM quản lý.
Tính đến nay, SJC có mạng lưới phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trong đó có 36 cửa hàng được phép giao dịch vàng miếng SJC.
Lợi nhuận SJC chủ yếu đến từ vàng miếng
Về tình hình kinh doanh, doanh thu SJC chủ yếu đến từ kinh doanh vàng miếng. Năm 2011, SJC từng đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Do chủ yếu kinh doanh vàng miếng, SJC có quy mô doanh thu cao trong ngành nhưng biên lợi nhuận lại mỏng nhất khi chưa đến 1%.
Theo số liệu kể từ khi SJC công bố BCTC (2012), kết quả kinh doanh của SJC có xu hướng giảm dần. 2012 là năm công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tốt nhất với số liệu lần lượt là 72.051 tỷ đồng và 295 tỷ đồng. Còn 2018 là năm SJC ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất với 28 tỷ đồng.
Năm 2023, SJC ghi nhận 28.408 tỷ đồng doanh thu thuần tăng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 242 tỷ đồng, giảm 3% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận giảm từ 0,92% xuống 0,85%.
Lợi nhuận sau thuế đạt gần 27 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, một phần là nhờ chi phí tài chính được tiết giảm đáng kể do hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản SJC đạt 1.898 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Công ty có 236 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Hàng tồn kho chiếm 72% tài sản (1.363 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm ngoái, nợ phải trả của SJC gần 320 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 94% (302 tỷ đồng). Tổng nợ vay hơn 150 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn từ VietinBank.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.578 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 1.358 tỷ đồng.
SJC sẽ giảm sản lượng vàng miếng
Đầu tháng 5, SJC đã có báo cáo trình UBND TPHCM về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 để xem xét phê duyệt.
Theo đó, SJC đưa ra chỉ tiêu sản lượng vàng miếng (gia công + dập SJC móp) là 31.692 lượng và vàng nữ trang 444.912 món nữ trang. Sản lượng này thấp hơn so với con số kế hoạch năm ngoái là 36.158 lượng vàng miếng và 568.578 món nữ trang.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu 30.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, tăng lần lượt 7%, 15% so với 2023. Tỷ suất sinh lời trên doanh thu chỉ đạt 0,23%.
SJC sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, phát triển thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về kinh doanh nữ trang và mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến ra mắt những sản phẩm mới như đồ thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt và kết hợp với các công ty du lịch lữ hành áp dụng mô hình kinh doanh mới để mở rộng chuỗi sản phẩm thương hiệu SJC đến du khách.
“Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới sẽ tạo động lực thúc đẩy công ty mở rộng thêm mạng lưới hoạt động kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ”, báo cáo của ban lãnh đạo SJC viết.