Tài chính

Công ty đứng sau cảng container lớn nhất Việt Nam - nơi 5 DN hồ tiêu kêu bị "rút ruột": 7 thành viên có mặt trên sàn chứng khoán

Theo Báo Công Thương, trước việc thiếu hụt hàng hóa của một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) khi hàng rời cảng, ngày 10/6/2024, Hiệp hội đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc thiếu hụt hàng hóa xuất khẩu.

Lùm xùm "rút ruột" tại cảng Cát Lái

Theo công văn, doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng hóa bị mất trong thời gian container hạ bãi chờ xuất. Hiện đã có 5 thành viên của Hiệp hội phản ánh về tình trạng mất cắp hồ tiêu và cà phê tại cảng Cát Lái. Bảng tổng hợp cho thấy khối lượng hàng hóa bị mất chiếm từ 7 - 28%, đều xảy ra ở cảng hạ của cảng Cát Lái và trong thời gian do tàu bị hoãn.

Cảng Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.

Công ty đứng sau cảng container lớn nhất Việt Nam - nơi 5 DN hồ tiêu kêu bị "rút ruột": 7 thành viên có mặt trên sàn chứng khoán- Ảnh 1.

Ảnh: Báo Công Thương

Với những nghi ngờ từ các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo an toàn hàng hóa của doanh nghiệp khi lưu tại cảng.

Đối với những trường hợp báo cáo mất hàng nói trên, Hiệp hội đề nghị các đơn vị vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra vụ việc và phản hồi bằng văn bản, có phương án đền bù thiệt hại việc bị mất hàng nếu sự việc xảy ra thuộc chức năng và trách nhiệm của Cảng.

Trong công văn phúc đáp ngày 11/6, phía Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu, hiện chưa có căn cứ để khẳng định việc mất hàng xảy ra tại cảng Cát Lái. Đồng thời cũng nhấn mạnh ở cảng Cát Lái có hệ thống giám sát an ninh và bố trí lực lượng kiểm soát an ninh cảng 24/24 nên khó có thể xảy ra mất hàng tại cảng.

Hiện nay, các phòng, ban chức năng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin thiếu hụt hàng hóa do phía VPSA cung cấp.

Chân dung Tân cảng Sài Gòn

Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; là Công ty TNHH một thành viên, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Tân cảng Sài Gòn hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính: Khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, trong đó khai thác cảng là ngành chủ đạo.

Tân Cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Tổng công ty hiện đang quản lý, điều hành 8 cảng container, trong đó có 3 cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam.

Tổng công ty xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới và là 1 trong 7 doanh nghiệp nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường.

Năm 2023, sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng trong hệ thống Tân Cảng Sài Gòn đạt 9,75 triệu TEU, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng gần 1% (chiếm 56,8% cả nước, 89,5% thị phần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh). Riêng cụm Cảng Tân Cảng - Cái Mép ghi nhận sự tăng trưởng 10% với sản lượng thông qua đạt hơn 2,7 triệu Teu, chiếm 53,2% thị phần sản lượng thông qua cụm Cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện nay, đang có 7 doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.

Trong đó, bao gồm 4 công ty con là CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW), CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST), CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) và 3 công ty liên kết là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) và CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP).

Công ty đứng sau cảng container lớn nhất Việt Nam - nơi 5 DN hồ tiêu kêu bị "rút ruột": 7 thành viên có mặt trên sàn chứng khoán- Ảnh 2.

Năm 2023, các doanh nghiệp trên sàn của họ Tân Cảng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Trong đó, CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất, TOS ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 1.581 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế tăng 24% đạt 201 tỷ đồng.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm