Tại sự kiện "Build to Last 2025" vừa diễn ra vào ngày 3/4, các chuyên gia đến từ Schneider Electric, Aden Group và Business France Vietnam đã cùng thảo luận về công nghệ và năng lượng trong việc định hình một tương lai bền vững, hướng tới mục tiêu Net-Zero (trung hòa phát thải carbon).

Nỗ lực Net-Zero vào năm 2025. (Ảnh minh họa)
"Lượng khí thải từ ngành xây dựng không giảm trong 7 năm qua"
Các báo cáo cho thấy, ngành xây dựng chiếm 34% tiêu thụ năng lượng toàn cầu và 21% lượng khí thải carbon, là một lĩnh vực trọng điểm trong hành trình Net-Zero. Tuy nhiên, chia sẻ tại sự kiện "Build to Last", ông Đồng Mai Lâm - Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia băn khoăn khi nhu cầu xây dựng nhà ở, văn phòng và nhà máy đang bùng nổ, mà tiến trình giảm phát thải carbon trong ngành này lại rất chậm. "Lượng khí thải từ ngành xây dựng không giảm trong 7 năm qua", ông Lâm chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, Schneider Electric đang nỗ lực thay đổi thực trạng này thông qua các giải pháp công nghệ tiên tiến. Ví dụ, hệ thống BVS UPS mới được giới thiệu tại Việt Nam giúp giảm 70% diện tích trung tâm dữ liệu, đồng thời tăng tính linh hoạt và hiệu quả năng lượng. Công nghệ làm mát bằng chất lỏng (liquid cooling) đặc biệt phù hợp với các trung tâm dữ liệu AI, cũng đang được nghiên cứu và triển khai rộng rãi.
Về phía Aden Group, họ cũng đang tập trung vào số hóa toàn diện. Diễn giả Laurent Deflandre đến từ Aden Group cho biết, hành trình tối ưu hóa năng lượng của công ty bao gồm ba giai đoạn thu thập dữ liệu qua IoT, sử dụng "digital twin" để quản lý động và ứng dụng AI để tăng tốc độ phản ứng. Những công cụ này không chỉ áp dụng cho trung tâm dữ liệu mà còn cho mọi loại hình xây dựng.
Về câu hỏi "Liệu Việt Nam có thể chuyển từ vai trò người tiêu dùng công nghệ sang người sáng tạo thực thụ?", ông Laurent Deflandre lạc quan khi chia sẻ rằng, Aden Group với hơn 25 năm hoạt động tại Việt Nam, đã đầu tư hơn 50 triệu USD vào trung tâm đổi mới tại Hà Nội. Các công nghệ của họ do kỹ sư Việt Nam phát triển, như nền tảng Akila hiện được triển khai tại Pháp, Singapore và Mỹ. Sự hợp tác với các công ty như FPT Software là minh chứng cho thấy tiềm năng nội địa hóa công nghệ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông David đến từ Business France Vietnam, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam vẫn thấp, chỉ 0,5% GDP, so với 2,5% ở Trung Quốc và 5% ở Hàn Quốc. "Phần lớn bằng sáng chế tại Việt Nam đến từ công ty nước ngoài, và bảo vệ sở hữu trí tuệ còn yếu", ông nhận xét. Dù vậy, ông ghi nhận tín hiệu tích cực khi Nvidia cam kết đầu tư vào R&D AI tại Việt Nam, điều mà ngay cả Pháp cũng chưa làm được.
Công nghệ và năng lượng xanh trên hành trình Net-Zero
Cũng tại sự kiện, ông Đồng Mai Lâm nhận định, trung tâm dữ liệu - xương sống của nền kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố tiêu thụ điện năng lớn nhất hiện nay. Với sự phát triển nhanh chóng của số hóa và ứng dụng AI, trung tâm dữ liệu không chỉ cần độ tin cậy mà còn phải đối mặt với bài toán tiêu thụ năng lượng khổng lồ.
Ông Đồng Mai Lâm chia sẻ tại sự kiện “Build to Last 2025”. (Ảnh: CCIFV)
Qua đó, ông Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, đặc biệt là tăng cường sử dụng năng lượng xanh như điện mặt trời và điện gió. Ông François Magnier đến từ IDEC Group Asia Vietnam, gợi ý, việc đặt trung tâm dữ liệu gần các trang trại năng lượng tái tạo, chẳng hạn như ở Ninh Thuận - nơi đã có những dự án năng lượng xanh quy mô lớn có thể là một giải pháp khả thi.
Ngoài ra, cơ chế mua - bán điện trực tiếp (DPPA) được Việt Nam ban hành vào năm 2024, là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển đổi năng lượng. DPPA cho phép các doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp năng lượng tái tạo, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào lưới điện quốc gia do EVN quản lý. Hiện có khoảng 2 - 3GW sẵn sàng đấu thầu bởi 20 tập đoàn quốc tế lớn tại Việt Nam.
Một trong những giải pháp nổi bật được đề cập nữa là công nghệ "digital twin" (bản sao kỹ thuật số). Theo ông Đồng Mai Lâm, công nghệ này cho phép mô phỏng các kịch bản "nếu - thì" để tối ưu hóa vận hành trung tâm dữ liệu. Khi kết hợp với AI, các trung tâm dữ liệu có thể dự đoán sự cố, giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm năng lượng đáng kể, góp phần vào mục tiêu Net-Zero.
Kết luận, các diễn giả cùng kỳ vọng với sự tham gia của các tập đoàn như Schneider Electric, Aden Group và sự hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu Net-Zero và trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ toàn cầu. Hành trình này đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm từ tất cả các bên.

