Doanh nhân

Ồn ào từ thiện của TikToker Phạm Thoại: Luật sư phân tích rủi ro pháp lý lên tới 20 năm tù

Tóm tắt:
  • TikToker Phạm Thoại và mẹ bé Bắp bị nghi ngờ lợi dụng từ thiện do thiếu minh bạch về số tiền 16 tỷ đồng.
  • Cá nhân không được tự ý kêu gọi từ thiện mà phải thông qua tổ chức được cấp phép.
  • Hành vi trốn tránh sao kê, sử dụng tiền không rõ ràng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo.
  • Người dân có quyền tố giác nếu phát hiện gian dối, kèm chứng cứ như sao kê, tin nhắn.
  • Cơ quan công an có thể khởi tố vụ án dù không có đơn tố giác nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Vụ việc liên quan đến TikToker Phạm Thoại và chị Lê Thị Thu Hòa (mẹ bé Bắp) thu hút sự quan tâm từ dư luận khi số tiền hơn 16 tỷ đồng được kêu gọi từ cộng đồng nhằm giúp bé Minh Hải (tên thường gọi là Bắp) chữa bệnh.

Sự thiếu minh bạch trong thông tin tài chính, cũng như phản ứng mập mờ của người kêu gọi và gia đình thụ hưởng, đã làm dấy lên những nghi vấn về việc lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi.

TikToker Phạm Thoại trong phiên livestream giải trình số tiền từ thiện 16 tỷ đồng. (Ảnh: Chụp màn hình).

Trao đổi với người viết, Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty luật ARC Hà Nội, nêu quan điểm như sau:

“Theo quy định của pháp luật, cá nhân có được tự ý kêu gọi từ thiện không? Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, cá nhân không được tự ý đứng ra tổ chức hoạt động kêu gọi, tiếp nhận và phân phối tiền từ thiện nếu không thông qua quỹ, tổ chức xã hội được cấp phép hoạt động hợp pháp.

Chỉ các tổ chức, quỹ xã hội – từ thiện được cấp phép mới có quyền kêu gọi, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp từ cộng đồng; Cá nhân nếu muốn tham gia phải thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân; Việc vận động phải có kế hoạch rõ ràng, có tài khoản riêng, và công khai thông tin tiếp nhận, sử dụng tiền từ thiện”. 

Ông Hà nhấn mạnh, hành vi kêu gọi và sử dụng tiền từ thiện thông qua tài khoản cá nhân, không thông qua tổ chức được cấp phép, là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Luật sư Hoàng Văn Hà. (Ảnh: ARC).

Theo luật sư, minh bạch về tài chính trong hoạt động từ thiện không chỉ là yêu cầu đạo đức, mà còn là nghĩa vụ pháp lý. Người đứng ra kêu gọi phải công bố toàn bộ khoản thu – chi, sao kê tài khoản, hóa đơn, chứng từ…

"Nếu có dấu hiệu trốn tránh sao kê, không rõ ràng về việc sử dụng tiền, thì hành vi đó có thể cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt tù cho tội danh này có thể lên tới 20 năm, tùy theo số tiền chiếm đoạt và tính chất, mức độ hành vi", ông Hà lưu ý.

"Nếu có hành vi lợi dụng từ thiện để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, buộc hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã vận động sai quy định; Truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản từ thiện, có thể bị khởi tố theo Điều 174 – Bộ luật Hình sự; Buộc hoàn trả, xin lỗi công khai, cấm tham gia các hoạt động vận động thiện nguyện trong tương lai", luật sư phân tích thêm.

Tại buổi họp báo quý I/2025, Thiếu tướng Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhấn mạnh: "Khi có thông tin phản ánh hoặc đơn thư tố giác, cơ quan công an sẽ tiếp nhận, kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định pháp luật".

Thiếu tướng Tô Cao Lanh, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự. (Ảnh: Đình Huy/TNO).

Trong trường hợp nghi ngờ có hành vi gian dối, người dân hoàn toàn có quyền làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an. Nội dung đơn cần nêu rõ: Mức tiền đã đóng góp và bằng chứng kèm theo (sao kê chuyển khoản, tin nhắn…); Thời điểm đóng góp, hình thức kêu gọi từ thiện; Yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Đơn có thể nộp tại công an cấp quận/huyện hoặc gửi trực tiếp lên Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an.

Luật sư Hoàng Văn Hà cho biết thêm cơ quan chức năng có thể khởi tố dù không có đơn tố giác căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, nếu cơ quan điều tra tự phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự mà không cần đơn tố giác từ người bị hại. 

Điều này đảm bảo pháp luật không phụ thuộc vào sự im lặng hay thiếu chứng cứ từ cộng đồng, mà chủ động xử lý khi có dấu hiệu vi phạm hình sự rõ ràng. Đây là cơ chế giúp bảo vệ lợi ích công cộng, phòng ngừa việc lợi dụng lòng tin để trục lợi, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội.

Từ thiện là hành vi nhân đạo, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, hành vi kêu gọi từ thiện cần được đặt trong khuôn khổ pháp luật thì người dân cần lưu ý: Chỉ ủng hộ thông qua tổ chức, quỹ được cấp phép hoạt động; Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không công khai minh bạch; Theo dõi và yêu cầu công khai các khoản thu – chi; Nếu phát hiện dấu hiệu trục lợi, hãy tố giác để pháp luật vào cuộc kịp thời.

Các tin khác

Vụ mẹ giết con trục lợi bảo hiểm: Hồ sơ được lật lại sau chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh

Người cô ruột của bé trai sinh năm 2017 từng trình báo về nghi vấn về cái chết của cháu, song thời điểm đó công an huyện đã trả hồ sơ, kết luận cháu bé bị ngạt nước. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về việc rà soát các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đến nay vụ án tàn độc này dần sáng tỏ.

Mỹ công bố thuế 46%, Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm không hốt hoảng

Ngay sau khi Mỹ công bố dự kiến mức thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam tới 46%, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau lập tức bị giảm mạnh, tôm thẻ chân trắng có loại giảm tới 15.000 đồng/kg. UBND tỉnh Cà Mau khuyến cáo người nuôi tôm bình tĩnh, vì mức thuế trên còn tiếp tục đàm phán và có thể tìm thị trường khác thay thế.

Bất ngờ "hàng rào" thuế Mỹ; Chị em rọt vướng lao lý

Mức thuế 46% Mỹ vừa đưa ra như 'chặn đứng' hàng Việt; 40 mỏ vàng 'khủng' vừa phát hiện; vốn hóa ‘bốc hơi’ 500.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 3/4... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua; lật giở việc làm ăn dối trá của Tập đoàn Chị em rọt trước khi bị khởi tố... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Elon Musk và Jeff Bezos giành được hợp đồng phóng tên lửa trị giá 13,5 tỷ USD cho Lầu Năm Góc

Không quân Vũ trụ Mỹ vừa trao hợp đồng tổng trị giá 13,5 tỷ USD cho ba công ty hàng đầu trong lĩnh vực phóng tên lửa gồm SpaceX, United Launch Alliance (ULA) và Blue Origin. Các tên lửa này sẽ thực hiện hơn 50 nhiệm vụ đưa vệ tinh quân sự tối mật lên vũ trụ từ nay đến năm 2029, khẳng định vai trò chủ chốt của các doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp quốc phòng không gian Mỹ.