Sáng nay (6/9), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của ông Trần Quí Thanh (SN 1953, ngụ tỉnh Bình Dương), Trần Uyên Phương (SN 1981, con gái ông Trần Quí Thanh) và kháng cáo của những người liên quan khác trong vụ án, đối với bản án sơ thẩm mà HĐXX TAND TPHCM tuyên ngày 25/4 vừa qua.
Tại phần thủ tục phiên tòa, HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho ông Trần Quí Thanh), qua đó vì lý do sức khỏe, HĐXX cho phép ông Trần Quí Thanh được ngồi tại chỗ (thay vì quy định phải đứng trên bục khai báo của bị cáo) để trả lời HĐXX.
Trả lời HĐXX tại phiên tòa, ông Trần Quí Thanh (trước đó có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và yêu cầu bà Đặng Thị Kim Oanh trả thêm tiền) trình bày yêu cầu kháng cáo rằng: Kháng cáo yêu cầu HĐXX phúc thẩm xem xét lại tội danh cho ông, từ đó đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho ông Thanh. Ông Thanh cũng yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên tất cả những ai liên quan trong vụ án này vay tiền của ông thì phải trả lại toàn bộ nợ gốc đã vay, nợ lãi và lãi phạt, ông Thanh sẽ trả lại các giấy tờ, tài sản liên quan các tài sản thế chấp. Ngoài ra, ông Thanh cũng yêu cầu không hồi tố phần lãi đã trả cho ông.
Tại phiên toà sáng nay, bà Trần Uyên Phương nói giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và chuyển sang cho bà được hưởng án treo.
“Tức là bị cáo kháng cáo vì bản án sơ thẩm nghiêm khắc quá, hay sau khi án sơ thẩm tuyên xong thì bị cáo có tình tiết mới có thể giảm hình phạt?” – Chủ tọa hỏi bị cáo Phương.
Trả lời HĐXX, bà Phương nói đồng ý với bản án sơ thẩm, tuy nhiên bà trình bày thêm, sau khi cấp sơ thẩm tuyên án xong, có thêm nhiều tình tiết mới là cơ sở để cấp phúc thẩm xem xét.
“Thưa HĐXX, bị cáo có trình bày trong đơn kháng cáo nộp cho tòa, luật sư của bị cáo cũng sẽ trình bày thêm trong phần tranh tụng” – bà Trần Uyên Phương trình bày.
Nêu quan điểm về nội dung kháng cáo của bị cáo, đại diện VKS Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bị cáo Trần Uyên Phương đã cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như: Tự nguyện nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng theo bản án sơ thẩm đã tuyên; bản thân tham gia nhiều các hoạt động xã hội, gia đình có công với cách mạng; Công ty của gia đình hoàn thành các nghĩa đóng thuế hàng năm cho Nhà nước... Từ đó đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm 6-9 tháng tù cho bị cáo Phương.
Luật sư của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai, là 1 trong 4 bị hại của vụ án) nói rút lại yêu cầu kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc ông Thanh bồi thường một phần thiệt hại cho việc chiếm giữ tài sản trong nhiều năm, tương ứng trên 50 tỷ đồng. Luật sư của bà Oanh đề nghị HĐXX công nhận bà Oanh sở hữu 100% cổ phần tại các dự án liên quan tới vụ án. Yêu cầu bị cáo phải trả lại toàn bộ giấy tờ của 2 dự án liên quan trong vụ án và xem xét lại án phí sơ thẩm đã tuyên đối với bà Oanh.
Cũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, HĐXX tóm tắt nội dung vụ án cho biết: Ngày 25/4, HĐXX phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM đã tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù ; bà Trần Uyên Phương 4 năm tù và bà Trần Ngọc Bích 3 năm tù (cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm - bà Bích không kháng cáo) cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Bản án sơ thẩm buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ông Thanh và 2 con gái bị cáo buộc đã thỏa thuận giao dịch vay tiền với 4 người là các ông Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Huy Đông, Lâm Sơn Hoàng và bà Đặng Thị Kim Oanh. Các bên thỏa thuận miệng lãi 3%/tháng, lãi chậm trả 4,5%/tháng, bên vay tiền ký tên chuyển nhượng đất, cổ phần. Nếu bên vay hoàn trả vốn và lãi thì bên cho vay sẽ hoàn trả lại đất, cổ phần. Khi bên vay trả tiền thì bên cho vay (cha con ông Thanh) lấy nhiều lý do gây khó dễ, không trả lại tài sản cho bên vay và đã chiếm đoạt của các bị hại gần 1.084 tỷ đồng.
HĐXX sơ thẩm cũng đã tuyên bác yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 530 tỷ đồng của bà Đặng Thị Kim Oanh, đồng thời buộc bà Oanh hoàn trả cho ông Thanh trên 235 tỷ đồng nợ gốc. Tuyên hoàn trả lại tiền tạm nộp khắc phục hậu quả của vợ ông Thanh, vì 3 cha con ông Trần Quí Thanh không có trách nhiệm bồi thường dân sự.