Đề xuất triển khai hàng loạt dự án có quy mô tỷ USD
Cuối tháng 8/2024, Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã chính thức khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh với tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới.
Được biết, chủ đầu tư trực tiếp của dự án triển lãm này là CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEFAC (VEF). Đây cũng là công ty con của Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu hơn 83% vốn. Tại thời điểm 30/6, VEFAC đang ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia Cổ Loa gần 830 tỷ đồng.
Vinhomes đang triển khai hàng loạt dự án lớn trên cả nước
Cùng với việc chính thức khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, thời gian gần đây các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không ngừng mở rộng quỹ đất phục vụ hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá nhà đất, chung cư, biệt thự liền kề… nhiều nơi trên cả nước ghi nhận tăng mạnh.
Theo Cổng thông tin điện tử của tỉnh Hậu Giang, trong tháng 8, Tập đoàn Vingroup đã tiếp cận dự án Khu đô thị Du lịch nghỉ dưỡng Mekong dự kiến có tổng mức đầu tư xây dựng 6,2 tỷ USD trên tổng diện tích 2.945 ha với dân số dự kiến 300 nghìn người, phục vụ khách du lịch 10 nghìn lượt khách mỗi ngày. Đại diện Tập đoàn VinGroup cho biết quan tâm đến dự án này do phù hợp định hướng phát triển của tập đoàn. Đây cũng là dự án có vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ. Tập đoàn VinGroup đề nghị các sở, ngành của tỉnh Hậu Giang làm nhanh, đúng pháp luật nhằm hoàn tất các thủ tục để đến năm 2027 chính thức đầu tư dự án.
Trước đó, trong tháng 6/2024, Liên danh Tập đoàn Vingroup - CTCP Đầu tư và Phát triển thương mại Long Hải - CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn đã đăng ký làm dự án khu đô thị thông minh - sinh thái ở Đông Anh, Hà Nội. Dự án này có diện tích khoảng 268 ha, với tổng mức đầu tư là 35.183 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án 33.093 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 2.090 tỷ đồng).
Với diện tích khoảng 268 ha, chủ đầu tư sẽ xây dựng 427 căn biệt thự, 1.211 căn liền kề, 7.769 căn hộ chung cư thương mại, 3.426 căn nhà ở xã hội và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật... đáp ứng quy mô dân số khoảng 38.500 người.
Đầu tháng 3/2024, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An (2 công ty con của Vinhomes) cũng là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Tân Mỹ tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 930 ha, dân số khoảng 81.000 người. Chi phí thực hiện khoảng 60.196 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 14.210 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự án ước đạt gần 74.500 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD.
Cũng tại tỉnh này, hồi tháng 2, liên danh Vinhomes và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) cũng là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Quy mô sử dụng đất dự kiến khoảng 1.089ha, dân số khoảng 89.960 người. Sản phẩm đầu ra của dự án gồm 15.244 lô đất xây nhà ở thương mại xây dựng theo tiêu chuẩn bàn giao thô, trong đó có khoảng 7.050 căn nhà ở liền kề và 8.194 căn biệt thự. Dự án còn cung cấp ra thị trường khoảng 13.440 căn chung cư nhà ở xã hội và khoảng 2.370 căn nhà ở thấp tầng để tái định cư.
Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây có tổng mức đầu tư 90.757 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 80.079 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư là 10.678 tỷ đồng.
Theo Shinhan Securities, Vinhomes đã có đủ dự án để triển khai cho hơn 30 năm tới
Đại gia Việt sở hữu kho tiền khủng trên sàn chứng khoán
Không chỉ sẵn sàng chi hàng tỷ USD để mở rộng quỹ đất với các dự án có quy mô từ hàng trăm tới hàng nghìn ha, cả Vingroup và Vinhomes đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 6 tháng đầu năm 2024 của Vingroup cho biết doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp ghi nhận hơn 64.065 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh lên hơn 29.241 tỷ đồng. Chi phí tài chính hơn 15.890 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm lần lượt hơn 6.958 tỷ đồng và 6.776 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp Vingroup ghi nhận lãi sau thuế hơn 2.053 tỷ đồng tăng hơn 2 lần so với lợi nhuận chỉ 989 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023.
Tính tới ngày 30/6, Vingroup có tổng tài sản hơn 722 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60.000 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu kho tiền lên tới gần 33.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vinhomes là doanh nghiệp Bất động sản thuộc Tập đoàn Vingroup. Doanh nghiệp này được biết đến với vai trò chủ đầu tư một loạt dự án khu đô thị quy mô lớn như Vinhomes Ocean Park I, II, III, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City…
6 tháng đầu năm 2024, Vinhomes có doanh thu thuần là 36.429 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 11.512 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, hiện công ty mới thực hiện được khoảng 30% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6, Vinhomes có tổng tài sản hơn 494 nghìn tỷ đồng tăng gần 50.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho hơn 56.310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; BĐS đầu tư của doanh nghiệp này đang nắm giứ hơn 20.510 tỷ đồng. Vinhomes cũng đang sở hữu kho tiền gần 21.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo phát hành hồi đầu năm 2024, Công ty Chứng khoán Shinhan (Shinhan Securities) cho biết, Vinhomes hiện đang sở hữu quỹ đất lên đến 18.152 ha, lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Theo Shinhan Securities, với quỹ đất này Vinhomes đã có đủ dự án để triển khai cho hơn 30 năm tới.