Tài chính

Con đường dịch chuyển của hơn 500 tấn vàng từ phương Tây sang phương Đông

Khối lượng vàng lớn đang được rút ra khỏi những trung tâm tài chính như New York và hướng sang phương Đông nhằm đáp ứng cho nhu cầu leo thang tại nhiều thị trường lớn ví như Thượng Hải hay Istanbul.

Thị trường vàng thế giới giờ đây đang chứng kiến sự dịch chuyển khi mà nhà đầu tư phương Tây bán ra còn nhà đầu tư châu Á tận dụng cơ hội giá rẻ để mua gom trang sức và vàng.

Theo Bloomberg, lãi suất đồng USD tăng cao khiến cho vàng trở thành công cụ đầu tư kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phương Tây. Khối lượng vàng lớn đang được rút ra khỏi những trung tâm tài chính như New York và hướng sang phương Đông nhằm đáp ứng cho nhu cầu leo thang tại nhiều thị trường lớn ví như Thượng Hải hay Istanbul.

Tuy nhiên, dòng chảy của vàng hiện tại chưa dịch chuyển đủ nhanh.

Những vấn đề liên quan đến vận chuyển kết hợp với nhiều cú sốc trên thị trường đang khiến cho nhà đầu tư khó mua đủ được lượng vàng cần thiết. Kết quả, vàng và bạc hiện đang được bán với chênh lệch giá khá cao cho đối tượng người mua trên thị trường châu Á.

“Động lực giữ vàng hiện đã giảm đi đáng kể ở phương Tây và dần dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông. Chúng tôi đang cố gắng duy trì tốt nhất trong khả năng có thể”, giám đốc đầu tư tại công ty kinh doanh và giao dịch vàng – ông Joseph Stefans nhận định.

Sự dịch chuyển kim loại trên khắp thế giới là một phần của chu trình trên thị trường vàng đã lặp đi lặp lại suốt nhiều thập kỷ: khi nhà đầu tư phương Tây rút đi và giá giảm, châu Á mua vào, vàng chảy từ phương Tây sang phương Đông, nhờ vậy giá vàng giữ được giá trần trong những khoảng thời gian suy giảm.

Cuối cùng, khi giá vàng tăng trở lại, phương Tây mua vàng mạnh tay, phần lớn số vàng đó lại nằm trong các hầm trữ vàng dưới lòng New York, London hay Zurich.

Sau khi lập đỉnh vào tháng 3/2022, giá vàng từ đó đến nay đã giảm 18% khi mà chiến dịch nâng lãi suất đồng USD mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến nhiều nhà đầu tư bán mạnh vàng ra.

Hơn 527 tấn vàng đã rời khỏi các hầm trữ vàng ở New York và London và trở lại các thị trường lớn ở phương Tây tính từ cuối tháng 4/2022, theo số liệu của CME và Hiệp hội vàng London.

Cùng lúc đó, vàng được chuyển mạnh vào các thị trường tiêu thụ vàng lớn như châu Á như Trung Quốc. Nhập khẩu vàng tại Trung Quốc tháng 4/2022 vào tháng 8/2022 lên mức cao nhất trong 4 năm.

Khi mà có quá nhiều vàng dịch chuyển sang phương Đông, nhu cầu phương Đông tuy vậy vẫn chưa được đáp ứng. Vàng tại Dubai hay Istanbul hoặc Thượng Hải hiện đang được giao dịch với mức chênh lệch cao nhất trong nhiều năm so với vàng trên thị trường London, theo MKS PAMP.

“Nhu cầu thường tăng lên ngay khi giá cả đi xuống. Người mua muốn mua vàng với mức giá thấp trên thị trường vàng vật chất thường muốn mua gom thật nhiều, vì vậy có thể sẽ không còn đủ vàng cung cấp khi giá giảm”, giám đốc điều hành tại quỹ vàng Precious Metals Insights – ông Philip Klapwijk nhận định.

Vàng trên thị trường Thái Lan hiện cũng được giao dịch ở mức giá chênh lệch so với giá vàng tại London do nguồn cung yếu đi và đồng bath Thái sụt giảm, chủ tịch Hiệp hội Vàng Thái Lan – ông Jitti Tangsithpakdi phân tích.

Tại Ấn Độ, giá bạc đang có chênh lệch lớn. Mức chênh lệch này đã tăng lên 1USD, cao hơn gấp 3 mức bình thường, theo số liệu của công ty tư vấn Metals Focus.

Giám đốc bộ phận tư vấn của Metals Focus ở Mumbai, ông Chirag Sheth, nhận xét: “Hiện nay nhu cầu đối với bạc đang tăng cao khi mà nhiều nhà đầu tư mua vào. Chênh lệch giá sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong mùa lễ hội ánh sáng ở Ấn Độ”.

Theo các chuyên gia phân tích, phần lớn kim loại quý đang đáp ứng nhu cầu của châu Á được chuyển khỏi các khu vực trữ vàng được điều hành bởi sàn CME hiện đang quản lý sàn giao dịch tương lai trên thị trường New York.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm