Kỹ năng sống

Hành trình vượt qua bóng tối của nữ MC khiếm thị Hương Giang

Trước giờ ghi hình hơn 1 giờ Giang đã có mặt tại trường quay và được ekip dắt đi vòng quanh sân khấu để định hướng không gian. Sau đó, cô ngồi lại một góc, từ từ di chuyển chiếc điện thoại sang trái rồi hướng lên trên theo một chỉ dẫn âm thanh tự động. Cả tập kịch bản dày nhanh chóng được nữ MC 9X "đọc" và ghi nhớ với "đôi mắt" đặc biệt.

Việc dùng điện thoại đọc kịch bản thay vì sử dụng chữ nổi để tiếp cận thông tin có phần xa lạ với nhiều người, nhưng đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của Hương Giang - nữ MC khiếm thị đã gắn bó hơn 10 năm với nghiệp cần "mic".

"Mỗi lần lên sân khấu, mình sẽ làm nó chỉn chu như lần đầu tiên và hết mình như lần cuối cùng", Giang nói. Cô gái khiếm thị luôn trân trọng từng khoảnh khắc được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu. Bởi với một MC khiếm thị như Giang, việc được tin tưởng và trao cơ hội không nhiều.

Hương Giang là MC khiếm thị đầu tiên lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: NVCC

Hương Giang là MC khiếm thị đầu tiên lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: NVCC

Sinh ra từ bóng tối

Giang sinh ra với một bên mắt hoàn toàn không thấy gì, mắt còn lại có thị lực 1/10. Đến năm lớp 6, bệnh thoái hóa võng mạc đã vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của Giang. Chìm vào bóng tối, Giang đối diện với nỗi sợ mất kết nối với thế giới xung quanh. Cô kể: "Thời điểm đó, các bạn cùng lớp không chơi với mình, họ sẽ chơi với những người giống họ. Mình không biết bắt đầu câu chuyện với những người xung quanh thế nào".

Khi đó, chỉ còn cô gái trẻ ngồi góc lớp lắng nghe những âm thanh xung quanh, nghe các bạn cười đùa vui vẻ. Chưa thể ngay lập tức hòa nhập với bè bạn, hành trình đến với học vấn của Giang cũng gian nan không kém. Vào thời điểm gần 20 năm trước, việc có môi trường học tập cho một đứa trẻ khiếm thị không phải là điều dễ dàng.

Trong ký ức của Hương Giang, khi muốn học hòa nhập thay vì chuyên biệt, bố mẹ cô phải dành nhiều thời gian để thuyết phục ban giám hiệu các trường chấp nhận một học sinh khiếm thị. Tiếp đó là chuỗi ngày dài nỗ lực chứng minh bản thân của Giang, cô không cần nhiều sự giúp đỡ để có thể độc lập học hành.

Trên con đường tiếp cận tri thức, Giang không đi một mình. Đồng hành cùng Giang là hậu phương vững chắc - gia đình. Nhìn thấy quá trình nỗ lực không ngừng của chị gái, Minh Trang cho biết: "Ở nhà bố mẹ luôn để chị Giang tự làm mọi việc, thay vì giúp đỡ chị hoàn thành mọi công việc, cả nhà sẽ hướng dẫn để chị tập quen với không gian và tự làm mọi thứ. Chị Giang luôn cố gắng không ngừng, chị không nói mình không làm được mà luôn tìm ra nhiều cách khác nhau để hoàn thành các dự định".

Không để để bóng tối dần dần cuốn đi tự tin và hạnh phúc, Giang học cách tự tìm niềm vui từ trong bóng tối. Thay vì đợi người khác đến giúp đỡ, cô gái trẻ cố gắng chủ động kết nối để hòa nhập với mọi người. Cô chia sẻ: "Mình không sợ bóng tối. Bởi vì nhờ có bóng tối, mình mới nhận ra ánh sáng". Giang chưa bao giờ cảm thấy tiếc nuối, tự ti hay đau khổ khi là một người khiếm thị.

Với Hương Giang "ai cũng là một người trọn vẹn, chỉ là cô khác so với số đông". Theo đó, cô gái 27 tuổi chưa bao giờ cố gắng để sống như một người mắt sáng khác, cô chấp nhận sống theo cách của một người khiếm thị trong môi trường chung.

Vươn ra ánh sáng

Khi mở lòng đón nhận cuộc sống, nghề MC cũng bén duyên với Hương Giang một cách tự nhiên. Sau khi làm nhân vật cho một số phóng sự trên VOV, các anh chị biên tập thấy cô bé có đôi mắt tròn xoe lại có khiếu dẫn nên đã trao cơ hội để Giang thực hiện chương trình "Nhật ký ánh sáng"- nơi có những bài học "vỡ lòng" để cô dần chạm tay vào ước mơ.

Những phóng sự phát thanh đầu tiên được Giang thực hiện giống việc mô tả cho thính giả cách cô cảm nhận và ngắm nhìn cuộc sống mỗi ngày. "Việc hình dung cuộc sống thông qua âm thanh từ nhỏ khiến việc thực hiện các chương trình phát thanh không phải là thử thách quá lớn", nữ MC chia sẻ.

Mỗi ngày Hương Giang đều tập luyện để có thể chinh phục công việc một người dẫn chương trình. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày Hương Giang đều tập luyện để có thể "chinh phục" công việc một người dẫn chương trình. Ảnh: NVCC

Đến năm 2017, cơ hội trở thành MC Đài truyền hình Việt Nam dần mở ra với nữ MC 9X qua hàng loạt các chương trình như Cuộc sống muôn màu, Cà phê sáng với VTV3... "Chuyển từ việc làm phát thanh sang truyền hình, công việc đòi hỏi tổng hòa nhiều kỹ năng hơn khiến những ngày đầu tiên của mình khá chật vật", Giang kể lại.

Những chương trình tập dẫn đầu tiên, Giang lúng túng không biết nhìn vào máy qua nào cho đúng. Khi đó, các anh quay phim ở đài nghĩ ra cách vỗ tay để cô gái trẻ nhận biết hướng máy và tập trung vào một điểm nhìn. Ngoài ra, MC 9X còn gặp khó truyền tải các ngôn ngữ cơ thể vì không thể quan sát và mô tả lại các động tác tay hay phong thái dẫn như những MC, BTV tiền bối.

Đối diện với thử thách, cô gái trẻ lại một lần nữa phải chứng minh khả năng việc độc lập cũng như phối hợp nhịp nhàng cùng ekip. Cô bắt đầu từ những kỹ năng đơn giản nhất để làm chủ sân khấu như học cách đi giày cao gót để di chuyển, tập tương tác mắt với ống kính, luyện thanh nhạc để giọng chắc khỏe, hay cập nhật các kỹ năng của một người mẫu để biết tạo dáng cho chuẩn.

"Với những người mắt sáng khác, đi giày cao gót không quá thử thách, nhưng với mình, việc một phần nhỏ đầu ngón chân chạm xuống đất thôi cũng mang lại cảm giác thiếu an toàn", Giang nói. Để vượt qua nỗi sợ, lịch luyện tập "trong ba tháng, mỗi ngày hai tiếng" được vạch ra và tuân thủ nghiêm ngặt. Dần dần, nữ MC trẻ có thể đứng và bước đi trên giày cao gót, đồng thời, chinh phục được các kỹ năng khác.

Thế nên, khi đồng hành với Giang trong các lớp catwalk hay trang điểm, chị Nguyễn Thùy Dương chưa bao giờ thôi thán phục người bạn của mình. "Mỗi lần nhìn Giang làm một việc gì đó, mình phải thốt lên bạn ấy quá siêu. Giang có thể tự trang điểm, đi catwalk trên đường thẳng bằng cách ‘sờ' để cảm nhận và luyện tập hàng ngày", Dương nhớ lại.

Thành quả sau tháng ngày dài luyện tập là sự chỉn chu trong mỗi lần xuất hiện của Giang trên sân khấu. Để chuẩn bị cho chương trình tối nay, nữ MC khiếm thị tự makeup. Cô sờ và cảm nhận từng ô màu trong bảng mắt, nhẹ nhàng dùng cọ lấy phấn rồi tán đều vào các vị trí từ bầu mắt đến hốc mắt. Giang cũng tự thay trang phục, bước đi uyển chuyển nhưng chắc chắn trên đôi giày cao gót. Tất cả chuỗi hành động được Giang thực hiện thuần thục.

Chuẩn bị xong, cô nghe hiệu lệnh từ đạo diễn và bắt đầu ghi hình. "Xin chào các bạn khán giả của ‘Cuộc sống vẫn tươi đẹp", Hương Giang đang có mặt tại một lớp học nấu ăn đặc biệt...", cô gái 9X vẫn luôn bắt đầu công việc đầy đam mê và hạnh phúc. Với Giang, mỗi ngày được làm nghề là thêm một ngày, cô có thể lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng.

Giang nhớ: "Có một khán giả đã đến và nói cảm ơn mình rất nhiều. Cô có một đứa con khuyết tật và đã nghĩ hẳn tương lai của đứa trẻ đó sẽ rất tối tăm. Nhưng khi cô đọc các bài bào về mình, xem các chương trình mình dẫn hay thấy những gì mình chia sẻ trên Facebook thì hóa ra người khuyết tật cũng có thể đi học, đi làm. Cô cũng dần mường tượng đến tương lai của con mình. Thay vì buồn bã, cô ấy bắt đầu lập kế hoạch để con đến gần hơn với xã hội".

Mỗi ngày làm công việc người dẫn chương trình là một ngày Hương Giang cảm nhận được niềm hạnh phúc. Với cộng đồng người khuyết tật, có nhiều người được hỗ trợ đúng cách hơn khi ra đường nhờ công việc hàng ngày Giang làm. Hay nhờ Giang, đã nhiều người lắng nghe họ nói và tin tưởng để trao cơ hội. Cuộc sống của cô gái ý nghĩa hơn khi khán giả gửi thư về Đài và nói họ bắt đầu một ngày ngập tràn niềm vui khi thấy cô lên sóng.

Phía trước là bầu trời

Sau buổi ghi hình kéo dài gần 2 tiếng, Giang trở về nhà lúc hơn 10h khuya. Phía sau ánh đèn sân khấu, Giang trở lại với công việc của một nhà tâm lý. Cô gái trẻ đang theo học chương trình Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng bên cạnh công việc tham vấn tâm lý để giúp đỡ những người có rào cản bước qua nỗi sợ của chính mình.

Bên cạnh công việc làm người dẫn chương trình, Hương Giang còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Ảnh: NVCC

Bên cạnh công việc làm người dẫn chương trình, Hương Giang còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Ảnh: NVCC

Giờ làm việc, check mail của Giang thường bắt đầu sau 11h giờ. Trong gmail công việc, nhiều người tìm đến Giang để mong muốn được giúp đỡ. Cô gái 9X kiên nhẫn đọc từng lá thư gửi đến và cẩn thận trả lời từng khách hàng cần cô giúp đỡ.

Gần đây, Giang đồng hành cùng mạng lưới "Cha mẹ có con mắc ung thư", trong đó, có nhiều bạn không thể qua khỏi. Thay vì để cha mẹ chìm vào nỗi buồn hay tự xoay xở trong cảm xúc hoang mang khi sắp phải nói lời tạm biệt với con cái, cô giúp cha mẹ cùng con thực hiện những giấc mơ còn dang dở.

Những phản hồi tích cực về chuyển biến tâm lý của cha mẹ hay niềm vui của những bệnh nhân ung thư nhí có thể thực hiện ước mơ còn dang dở khiến cô gái trẻ vững niềm tin hơn vào con đường mình đang đi.

Việc trở thành một chuyên gia tâm lý giúp Giang tự điều chỉnh cảm xúc của mình hay cho phép cô khai thác các nhân vật chân thành, khéo léo hơn khi dẫn dắt các chương trình truyền hình. Giang kể: "Việc học các kỹ năng về tâm lý giúp mình có điểm dừng để không hỏi quá sâu vào các nỗi đau của nhân vật và giúp nâng đỡ một phần tâm lý của họ".

Ở chiều ngược lại, việc làm một MC giúp Giang có thể dễ dàng trao đổi, trò chuyện với nhân vật tự tin, lưu loát hơn. Hai công việc có thể khác nhau ở cách thức thực hiện nhưng giao nhau ở điểm chung khi đều lan tỏa niềm cảm hứng sống đầy, sống trọn vẹn.

"Sứ mệnh sống của Giang là giúp những người xung quanh sống cuộc đời mà họ muốn. Ai cũng sẽ có những nỗi đau và khó khăn riêng, bằng chuyên môn mình hay đơn giản là nguồn năng lượng tích cực mình mang, Giang muốn giúp mọi người tự tin, mạnh mẽ vượt qua những rào cản để sống cuộc đời hạnh phúc hơn thay vì những nỗi đau và ân hận", nữ MC tâm sự.

Với Giang, cuộc sống là chuỗi những khó khăn, chỉ khác, điều này đến với những người khuyết tật sớm hơn. Thế nên, thay vì để bóng tối của nỗi buồn cuốn lấy, mỗi ngày, nữ MC 9X luôn tiến bước sống đầy cũng với những khả năng và sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua những rào cản, từng bước lật mở các trang mới trong trong cuộc đời với niềm hạnh phúc và tích cực. Hành trình của Giang đang đi, cũng là chặng đường những người khiếm thị như cô sẽ bước tiếp để khẳng định năng lực bản thân và chứng minh người khuyết tật có thể làm tốt nếu được trao cơ hội.

Lê Hương Giang là đại diện tiêu biểu truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng những khả năng". Sức mạnh và khả năng nội tại bên trong mỗi người là vô hạn, vì vậy, hãy mạnh mẽ đón nhận thách thức, mở rộng giới hạn của bản thân và kiên trì theo đuổi sự lựa chọn của mình.

Dù mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cách chúng ta đối mặt với khó khăn của bản thân và mạnh mẽ lựa chọn con đường riêng sẽ cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khác. Bạn cũng có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của chuyên trang "Tiến bước sống đầy" được thực hiện bởi VnExpress và FWD bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây.

Hồng Thảo

Cùng chuyên mục

Đọc thêm