Chuyên gia Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng; qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các tổ chức tín dụng.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng 4% trong quý II này và trên 13% trong cả năm, thấp hơn so với mục tiêu điều hành. Để thúc đẩy tín dụng, các ngân hàng sẽ buộc phải giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp hơn với doanh nghiệp.
Chính Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam đồng (VNĐ) các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành chính sách lãi suất rất linh hoạt, giảm lãi suất điều hành và cũng có những chỉ đạo vận động các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội để các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Đối với quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của tổ chức tín dụng lần này, theo Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất giảm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty Vận tải tại Hà Nội cho biết, tình hình kinh doanh không được khả quan nên công ty bán bớt tài sản đi để thanh toán đỡ một phần vào ngân hàng, để bớt được lãi.
“Do đó, chỉ cần lãi suất giảm khoảng 1%/năm, công ty đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng”, ông Nguyễn Ngọc An nói.
Để chính sách trên tiếp tục phát huy tác dụng, giảm độ trễ, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, Chuyên gia Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị không chủ quan nhưng cũng không quá quan ngại với lạm phát bởi áp lực lạm phát của Việt Nam vẫn còn nhưng cũng không quá quan ngại do lạm phát và giá cả toàn cầu đang giảm, tỷ giá ổn định, sức cầu còn yếu, vòng quay tiền còn chậm, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát; trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.