EVN bố trí nhân sự điều hành trung tâm điều độ điện quốc gia
Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân đã có quyết định tạm giao ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Giám đốc A0 kể từ ngày 15-6, cho đến khi có quyết định thay thế của cấp có thẩm quyền.
EVN đã bố trí nhân sự điều hành Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia
Việc bố trí nhân sự điều hành A0 được đưa ra sau khi ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0 bị tạm đình chỉ chức vụ để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện.
Theo EVN, việc tạm đình chỉ này không ảnh hưởng tới công tác quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia.
Trong khi đó, việc thanh tra chuyên ngành về quản lý và điều hành cung cấp điện trong giai đoạn khoảng 2,5 năm cũng đặt ra yêu cầu chuẩn bị hồ sơ tài liệu và trực tiếp báo cáo cũng phát sinh khối lượng công việc rất lớn.
Vụ người dân bỏ chạy khi nhìn thấy 2 cá thể nghi là hổ: Không thực sự nhìn thấy hổ
Hình ảnh so sánh dấu chân ở hiện trường và dấu chân hổ. Ảnh: Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu
Liên quan đến vụ việc có người dân xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, Sơn La) đến xã trình báo về việc nhìn thấy 2 cá thể nghi là hổ, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Mộc Châu cho biết, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục cử người theo dõi, nắm thông tin.
Tuy nhiên, về cơ bản, sau khi kiểm tra, đo đạc các vết dấu chân và kết luận của các chuyên gia, đây ít khả năng là hổ mà là một loài thú họ chó, có thể là cầy hoặc chó…
Vị này cho hay người đến trình báo nói chỉ nhìn thấy vết dấu chân thôi chứ không phải tận mắt nhìn thấy con vật nào. Sau khi thấy vết chân trên đất, họ nghi là hổ, hoảng quá nên mới đi trình báo.
Theo các nhà chuyên môn thuộc Bộ môn Động vật rừng, Khoa Quản lý Tài nguyên rừng và Môi trường (Trường Đại học Lâm nghiệp), dấu chân phát hiện ở Chiềng Hắc có 4 ngón chạm đất, có dấu vuốt ở phía trước ngón được nghi là của thú họ chó. Vì vết chân hổ không có dấu vuốt bởi khi di chuyển, hổ co vuốt vào trong nệm thịt, chỉ khi vồ mồi nó mới nhả vuốt ra.
Chiếc đồng hồ gần 280 triệu bị mất ở sân bay Phú Quốc về với chủ
Ngày 17/6, tại trụ sở Công an TP. Phú Quốc, Công an tỉnh Kiên Giang đã bàn giao chiếc đồng hồ Patek Philippe cho phía gia đình chị Mạc Thanh Thảo (35 tuổi - Việt kiều Mỹ, chủ nhân chiếc đồng hồ trên).
Đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá 11.124 USD (khoảng 278 triệu đồng). Ảnh: CA.
Trước đó, ngày 25/12/2022, chị Thảo cùng chồng rời Phú Quốc để về TPHCM. Sau khi làm thủ tục, chị Thảo mang tư trang, hành lý xách tay bỏ vào khay đi qua khu vực an ninh soi chiếu của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Sau khi soi chiếu, phát hiện chiếc đồng hồ trị giá 11.124 USD (khoảng 278 triệu đồng) biến mất, chị Thảo đã trình báo công an, chính quyền địa phương.
Sau thời gian xác minh, tìm kiếm, cơ quan Công an đã tiếp nhận được chiếc đồng hồ Patek Philippe của chị Mạc Thanh Thảo.
Gia đình gặp BTC khoá tu ở chùa Cự Đà sau “trải nghiệm kinh hoàng” của bé trai
Thông tin chia sẻ trên mạng xã hội
Mới đây, trên Facebook chị N.T.G.N. ở Hà Nội chia sẻ thông tin kèm hình ảnh của con trai về “trải nghiệm kinh hoàng” tại khoá tu mùa hè ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội).
Theo đó, thông qua một phật tử tại đây, chị cho con trai tham gia khóa tu 5 ngày (12-16/6) ở chùa. Chị đã đóng một triệu đồng chi phí ăn uống, đồng phục và dụng cụ học tập cho con.
Sau 5 ngày, chị đến đón thấy cậu bé mặc nguyên chiếc áo từ hôm đến, mặt mũi nhem nhuốc, chân tay nhiều vết muỗi đốt. Con chị nói không được tắm, nhà vệ sinh bẩn và phải ngủ dưới nền đất. Về đến nhà, bé kêu đau, tay cử động khó khăn, tinh thần hoảng sợ, khi được hỏi, cháu bé nói bị bạn đánh bằng ghế gỗ.
Gia đình chị đưa con đi chụp X-quang, được kết luận không gãy xương nhưng chấn thương phần mềm.
Sau vụ việc, UBND huyện Thanh Oai đã cử đoàn công tác đến chùa để kiểm tra, xác minh sự việc và yêu cầu nhà chùa dừng tổ chức các khoá tu.
Hiện gia đình cháu bé đã gặp mặt chủ trì chùa Cự Đà cũng như đại diện Ban Tổ chức khoá tu. Hai bên thống nhất các nội dung về việc xin lỗi gia đình, đồng thời trả lại toàn bộ kinh phí khoá tu vừa qua.
Cô Diệu Tịnh Thu (tên thật là Phạm Thị Thu, Trưởng ban tổ chức khóa tu chùa Cự Đà) cũng đã có tâm thư xin sám hối và xin lỗi các bên liên quan.
Quyết định bất ngờ của nhóm cần thủ câu được cá trắm “khủng” hơn 40kg
Con cá trắm đen nặng 41kg được nhóm thợ câu của anh Hoà câu được
Ngày 17/6, trên trang Facebook của anh Lê Khánh Hòa (29 tuổi, trú tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An) bất ngờ thông báo về việc bán con cá trắm đen nặng gần 41kg do nhóm anh câu được vào ngày 15/6 tại đập Khe Là.
Anh Hoà cho biết, con cá trắm đen “khủng” được một đại gia giấu tên trả giá 50 triệu đồng. Sau khi suy nghĩ, anh quyết định bán con cá.
Theo anh Hoà, quan điểm từ trước đến nay của anh là không bán cá nhưng lần này phá lệ. Anh và nhóm của mình muốn dùng 50 triệu đồng này kết hợp với số tiền bán mồi câu trong chương trình thiện nguyện trước đó để làm từ thiện.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), trước đây cũng có người câu được con cá khoảng hơn 20kg nhưng con 41kg này là con cá to nhất từ trước tới nay ở đập này. Đập Khe Là rộng 54ha, điểm sâu nhất hơn 20m, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa. Khu vực này đang được một hộ dân thầu để nuôi cá lồng và mở dịch vụ câu cá.