Tuần qua, mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng cơ quan thuế có quyền truy cập vào tất cả tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế khẳng định nội dung trên không chính xác.
Theo cơ quan này, họ chỉ có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan như sàn giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển cung cấp các thông tin liên quan để thanh, kiểm tra nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Các bên cũng được yêu cầu cung cấp thông tin khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế về quản lý thuế với người nộp thuế.
Thực tế, thông tin về việc ngành thuế có thể truy cập tài khoản, nắm được doanh thu từ kinh doanh đã khiến nhiều người bán hàng online lo ngại bị truy thu thuế. Bởi theo quy định, bán hàng online là kinh doanh thu lợi nhuận qua nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok hoặc sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Họ phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh, theo Luật Quản lý thuế.
Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Số thuế được cơ quan quản lý tính trên tổng doanh thu, tỷ lệ thuế VAT hàng hóa, dịch vụ và thu nhập cá nhân, với từng hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, cá nhân phân phối, cung cấp hàng hóa thì thuế phải nộp = doanh thu * (1% thuế VAT + 0,5% thu nhập cá nhân). Còn nếu cá nhân có thu nhập từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, dịch vụ khác sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 2%, thuế VAT 5%.
Song thời gian qua, họ vẫn thường "lách" quy định này bằng cách chốt đơn qua inbox, nhận chuyển khoản không ghi rõ nội dung, hoặc thanh toán bằng tiền mặt.
Năm ngoái, ngành thuế có hàng loạt biện pháp để rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online. Việc này được cơ quan thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.
Từ tháng 12/2024, cơ quan này đã vận hành cổng thông tin điện tử cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai và nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Ngoài ra, theo Luật số 56/2024, nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng số (trong nước và nước ngoài) sẽ phải khấu trừ, nộp, kê khai số thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng này. Đây là việc nhằm thuận tiện hơn cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và giảm chi phí xã hội, thúc đẩy thương mại điện tử, theo Tổng cục Thuế.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.
Năm ngoái, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023.
Ngoài các cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử, cơ quan thuế cũng siết quản lý thu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử.
Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.