Chứng khoán

Một doanh nghiệp Việt Nam tham gia quy hoạch hệ thống sân bay Lào

Theo đó, vào chiều 9/1, tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025 diễn ra tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã chứng kiến các cơ quan và đối tác giữa hai nước trao các giấy phép, văn kiện, thỏa thuận hợp tác triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD.

Cụ thể, có 13 giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác đầu tư được trao cho doanh nghiệp hai nước.

Một doanh nghiệp Việt Nam tham gia quy hoạch hệ thống sân bay Lào- Ảnh 1.

Tập đoàn Sovico và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải trao hợp đồng tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay tại Lào giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Giao thông công chính Lào và Tổng công ty Cảng hàng không Lào. Ảnh: VGP

Trong đó, đáng chú ý có dự án đặc biệt mà Tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia. Cụ thể, Tập đoàn Sovico và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã trao hợp đồng tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay ở Lào giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cho Bộ Giao thông công chính Lào và Tổng công ty Cảng hàng không Lào.

Một doanh nghiệp Việt Nam tham gia quy hoạch hệ thống sân bay Lào- Ảnh 2.

Sovico là tập đoàn kinh doanh đa ngành. Ảnh: Sovico

CTCP Tập đoàn Sovico (Sovico Group) là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch. Tập đoàn hoạt động trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, hàng không, chuyển đổi số, năng lượng đến phát triển đô thị, nghỉ dưỡng...

Theo BCTC cơ bản bán niên năm 2024 của Tập đoàn Sovico, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 6/2024 đã vọt lên 70.049 tỉ đồng, tăng gần 38% cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2024, Sovico ghi nhận lợi nhuận sau thuế là hơn 1.799 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp tác trị giá nhiều tỷ USD

Ngoài thỏa thuận hợp tác tư vấn khảo sát, lập quy hoạch tổng thể dự án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay tại Lào, còn có nhiều thỏa thuận được trao tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2025.

Cụ thể, dự án Nhà máy điện gió Savan1 của Công ty Điện gió SDVIC tăng vốn đầu tư lên 32 triệu USD. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với dự án tổ hợp trang trại bò sữa ở Lào tăng vốn đầu tư lên 85,2 triệu USD.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội (MB) với dự án Ngân hàng MB Lào tăng vốn lên 229,9 tỷ kíp Lào. MB còn trao thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy điện gió Savan1, Nhà máy nhiệt điện Xekong.

Một doanh nghiệp Việt Nam tham gia quy hoạch hệ thống sân bay Lào- Ảnh 3.

Đại diện MB trao thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn cho các dự án Nhà máy điện gió Savan1, Nhà máy nhiệt điện Xekong. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào trao phụ lục hợp đồng cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại Lào. Dự án có công suất thiết kế 1 triệu tấn alumin 1 năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cũng trao hợp đồng phát triển 5 dự án thủy điện nhỏ ở huyện Ka Lưm, tỉnh Sekong (tổng công suất 180 MW) cho Tập đoàn Việt Phương, với vốn đầu tư 197 triệu USD.

Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cũng trao giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, với dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali, vốn đầu tư 522,4 triệu USD.

Ngoài ra, Vietnam Airlines và Lao Airlines trao biên bản ghi nhớ về việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương.

Cục Chăn nuôi và Thủy sản Lào và CTCP Tập đoàn Nông sản Việt – Lào trao thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển chuỗi nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các hồ thủy điện của Lào.

Cuối cùng, Viện Khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế (IHC) và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hội Doanh nghiệp trẻ Lào (YEAL) trao thỏa thuận hợp tác ba bên đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Lào.

Theo thống kê, trong năm 2024, thương mại song phương Việt - Lào đã ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm 2023. Trong đó, Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu USD, tăng khoảng 30% so với năm 2023. Vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023. Tính lũy kế đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 267 dự án vào Lào, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Trong năm 2025, Việt Nam và Lào sẽ phấn đấu đưa kim ngạch song phương tăng từ 10 - 15% so với năm 2024 và hướng tới sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD. Đặc biệt, nông nghiệp và phát triển nông thôn được coi là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Năm nay, Việt Nam và Lào sẽ tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, đồng thời nghiên cứu các phương án huy động nguồn lực để triển khai dự án trọng điểm, chẳng hạn như đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, đường sắt Vũng Áng - Vientiane.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm