Tài chính

Cổ phiếu STB kín “room” ngoại, nhà đầu tư nước ngoài "cược" gì ở Sacombank?

Phiên giao dịch hôm nay (9/2) chứng kiến sự mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài ở cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank.

Cụ thể, cổ phiếu STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên này, với khối lượng hơn 11,3 triệu đơn vị, giá trị tỷ đồng 284 tỷ đồng. Theo đó, hiện nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 564 triệu cổ phiếu STB, gần 30% vốn cổ phần ngân hàng - tỷ lệ sở hữu tối đa cho phép.

Tính từ đầu năm 2023, STB đã được mua ròng gần 49 triệu đơn vị, giá trị gần 1.250 tỷ đồng. Trước đó, trong 2 năm 2021-2022, động thái gom cổ phiếu STB của khối ngoại cũng đã diễn ra mạnh mẽ, lần lượt 4.200 tỷ và 4.600 tỷ.

Cuối năm 2022, nhóm nhà đầu tư nước ngoài Dragon Capital đã liên tục gom mạnh cổ phiếu Sacombank, nâng sở hữu lên hơn 113 triệu đơn vị, tương đương 6% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng.

Như vậy hiện nay, STB đã gia nhập vào nhóm những cổ phiếu ngân hàng được lấp đầy room ngoại 30% như ACB, TPB, MSB.

Trên thị trường, cổ phiếu STB liên tục nằm trong nhóm có thanh khoản cao nhất ngành, riêng phiên 9/2 giá trị giao dịch đạt 985 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu STB tăng 8%, ở mức 24.450 đồng/cp.

Về kết quả kinh doanh, Sacombank ghi nhận một năm 2022 tăng trưởng khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Đáng chú ý, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sacombank được kỳ vọng sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023. Mục tiêu chính của ngân hàng trong 7 năm qua là xử lý tài sản tồn đọng liên quan đến việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015 — thông qua việc bán tài sản đảm bảo và/hoặc trích lập dự phòng.

“Chúng tôi nhận thấy tiến triển tích cực trong việc xử lý nợ tồn đọng tại Sacombank, qua đó làm tăng thêm niềm tin vào câu chuyện tái cơ cấu của ngân hàng. Cụ thể, Sacombank đã giảm thành công tài sản tồn đọng từ 87 nghìn tỷ đồng (tương đương 23,7% tổng tài sản) năm 2017 xuống 16,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1% tổng tài sản) vào quý 2/2022, dựa trên ước tính của chúng tôi. Ngoài ra, kỳ vọng rằng ngân hàng sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2023 do dự kiến ngân hàng sẽ bán thành công tài sản thế chấp trong năm (khoản nợ liên quan đến Khu Công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được cầm cố làm tài sản thế chấp cho VAMC)”, nhóm phân tích cho biết.

VCSC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể tăng 77,7% so với năm 2022 – cao nhất trong các ngân hàng được theo dõi. Ước tính rằng Sacombank đã xử lý khoảng 14 nghìn tỷ đồng tài sản tồn đọng trong nửa đầu năm 2022 và giả định rằng STB sẽ xử lý lần lượt 17 nghìn tỷ đồng và 13 nghìn tỷ đồng tài sản tồn đọng vào năm 2022 và 2023. Đáng chú ý, Sacombank không có rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm quý 3/2022 và tỷ trọng cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản ở mức thấp (2,1% tổng các khoản vay tính đến quý 2/2022).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cho con