Bất chấp kết quả lỗ nhẹ 2,7 tỷ đồng trong quý 4, năm 2022 vẫn là một năm mà doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Thiên Long ghi nhận kết quả kỷ lục, đạt lần lượt 3.521 tỷ đồng và 401 tỷ đồng, tăng 32% và 45% so với năm 2021, vượt 8% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra trong ĐHĐCĐ.
Như vậy, tính trung bình 1 ngày tập đoàn Thiên Long lãi gần 1,1 tỷ đồng sau thuế và có thể nói, phần lớn lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh chính, do doanh thu tài chính và thu nhập khác trong kỳ của Thiên Long không đáng kể, lần lượt là 62 tỷ và 10 tỷ đồng.
Sản phẩm lâu đời và nổi tiếng nhất của Thiên Long là bút bi, đến mức bà Trần Phương Nga – CEO Tập đoàn Thiên Long từng chia sẻ* rằng “Thiên Long có rất nhiều sản phẩm bút bi ai cũng biết tới. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng là nỗi đau, bởi có những sản phẩm Thiên Long đã đưa ra nhưng ít người dùng biết tới”.
(*trong chương trình “The Next Power” do S-World tổ chức)
Theo báo cáo thường niên 2021, Thiên Long hiện nay có 4 nhóm sản phẩm chính, bao gồm: nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng tiện ích, nhóm dụng cụ văn phòng, nhóm dụng cụ học sinh, nhóm dụng cụ mỹ thuật.
Và để trả lời cho câu hỏi tại sao chỉ tập trung bán bút, văn phòng phẩm, không lấn sân sang những mảng đầu tư trái ngành khác, Thiên Long vẫn có được mức lợi nhuận ổn định và hiệu quả trong nhiều năm, có thể nhìn trên một số khía cạnh sau:
Thống trị thị trường nội địa, song song với đẩy mạnh xuất khẩu
Với bề dày hoạt động của mình, Thiên Long đã xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối sâu rộng tại thị trường nội địa. Sản phẩm của Thiên Long có mặt trên khắp 63 tỉnh/thành trong cả nước và các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích... đồng thời phân phối thông qua các kênh như kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B),...
Nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng tiện ích (Nhãn hàng Thiên Long) bao gồm các dòng sản phẩm truyền thống phục vụ cho việc học tập, ghi chép, đánh dấu, lưu trữ, in ấn... như: Bút bi, bút gel, bút lông bi, bút lông kim, tập học sinh, thước, gôm,chuốt... là các nhóm sản phẩm chủ lực lâu đời của Tập đoàn.
Đặc biệt nhóm bút viết hiện tại vẫn đang được người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh sinh viên ưa chuộng và tin dùng về chất lượng cũng như giá cả phù hợp và hiện vẫn đang dẫn đầu thị trường nội địa với thị phần khoảng 60% (theo báo cáo thường niên Thiên Long năm 2021).
Trên thực tế, không phải chỉ có học sinh, sinh viên mới cần sử dụng bút cho việc học tập. Nhiều công việc cần đến viết chứng từ như ngân hàng, kế toán, hành chính,... cũng là tập khách hàng tiêu thụ bút không hề ít, nguyên nhân khá hài hước vì bút luôn được xếp vào dạng tài sản dễ mất nhất trên văn phòng.
Xuất khẩu thành công tới 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
Thị trường văn phòng phẩm Việt Nam phải đối diện với rất nhiều cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại nhập tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Thiên Long cũng thành công mang chuông đi đánh xứ người.
Thiên Long liên tục đầu tư phát triển thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm mang nhãn hiệu FlexOffice và Colokit đến với người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, Thiên Long còn xuất khẩu các mặt hàng private label/nhãn hiệu riêng cho các khách hàng lớn trên thế giới.
Công nghệ sản xuất hiện đại là chìa khóa tiết giảm chi phí
Theo BCTC hợp nhất 2022, biên lợi nhuận gộp của Thiên Long lên đến 43%, tăng nhẹ so với năm trước đó 2021 là 42%. Có được mức lợi nhuận cao này xuất phát từ việc doanh nghiệp chú trọng nghiên cứu và tự thiết kế, chế tạo nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thiết kế, chế tạo các khuôn mẫu để thay thế khuôn mẫu ngoại nhập, nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.
Việc chế tạo khuôn mẫu được định hướng áp dụng công nghệ cao đối với kết cấu khuôn và công nghệ gia công, cũng như việc sản xuất ép theo hướng tự động, nhằm giúp việc sản xuất BTP hiệu quả hơn, hiệu suất cao hơn. Ngoài ra, việc nghiên cứu chế tạo các khuôn để có thể sản xuất ép BTP dạng khác, như ép nhiều thành phần nhựa trên cùng BTP cũng đang được triển khai, nhằm giảm số lượng chi tiết cấu thành sản phẩm đồng thời đa dạng mẫu mã.
Các máy móc dùng sản xuất BTP cũng được đầu tư mới với công nghệ hiện đại, nhập khẩu từ các nước tiên tiến như đầu tư máy ép từ Nhật Bản, giúp cho quá trình sản xuất BTP tối ưu, chất lượng BTP nâng cao hơn.
Việc sắp xếp, tổ chức lại nhà xưởng, các khâu sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa đã và đang được triển khai ở hầu hết các bộ phận giúp cho hiệu quả sản xuất không ngừng được cải thiện.
Ở Thiên Long, tỷ lệ tự động hóa đã đạt 78,86%.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng, Thiên Long không chỉ sản xuất kinh doanh bút viết, mà còn bao gồm văn phòng phẩm, học cụ, sản phẩm mỹ thuật, y tế cho nhiều đối tượng người dùng. Tập đoàn đang triển khai các mảng kinh doanh mới như sản phẩm STEAM & DIY (Do It Yourself), hợp tác với các thương hiệu hàng đầu trên thế giới về văn phòng phẩm – vui chơi – sáng tạo…
Tại ĐHĐCĐ năm 2021, chủ tịch Cô Gia Thọ cho biết: “ Thiên Long đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới bằng tinh thần tiến lên không lùi bước, với niềm tin rằng tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là sự tin yêu của người tiêu dùng. Thiên Long đặt kỳ vọng vào hàng chục triệu khách hàng thân thiết là tiền đề tất yếu để Thiên Long mở rộng danh mục sản phẩm, ngành hàng, tiến tới cột mốc “doanh nghiệp vạn tỷ ”.
Ngày 11/03/2022, Công ty Thiên Long Long Thành – Công ty Thành viên của Tập đoàn Thiên Long thực hiện Lễ Khởi Công xây dựng dự án “Mở rộng nhà máy sản xuất Thiên Long Long Thành” B2 có kết cấu 5 tầng cùng các công trình phụ trợ với tổng diện tích xây dựng khoảng 10.000m2, giá trị đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. Dự án nhằm phát triển các nhóm sản phẩm học cụ, keo, mỹ thuật và mở rộng các nhóm sản phẩm STEAM & DIY, healthcare, sản phẩm y tế nhằm hướng đến mục tiêu chung của Tập đoàn là đạt doanh thu vạn tỷ.