Chứng khoán

Cổ phiếu nổi sóng với câu chuyện phát hành riêng lẻ

Nhiều doanh nghiệp chào bán cổ phiếu riêng lẻ, kỳ vọng huy động tới hàng nghìn tỷ đồng

Trong khoảng hai tháng gần đây, nhiều công ty công bố phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với mức giá chênh lệch lớn so với thị giá trên sàn.

 

Quan sát từ đầu tháng 9, thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp công bố kết quả hoặc phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với số lượng từ 22 triệu đơn vị đến 180 triệu đơn vị, cùng với giá 10.000 đồng/cp. Đó là mức giá tối thiểu khi doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo quy định.

Mới đây nhất, ngày 5/10, Hội đồng Quản trị của Khải Hoàn Land thông qua việc triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 180 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 40% cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến thực hiện từ quý IV/2023 đến quý I/2024. Giá chào bán được chốt là 10.000 đồng/cp, cao hơn 59% so với thị giá kết phiên 9/10. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Theo kế hoạch, 1.800 tỷ đồng dự thu đượcKhải Hoàn Land góp, cấp vốn vào công ty thành viên thực hiện dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ Khải Hoàn Land sẽ tăng từ 4.494 tỷ đồng lên 6.294 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) cũng muốn huy động thêm nghìn tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ. Vào cuối tháng 9, doanh nghiệp công bố việc ĐHĐCĐ chấp thuận phương án phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp, cao hơn 19,3% so với thị giá phiên 9/10.

Kế hoạch chào bán riêng lẻ đã được Bầu Đức (Chủ tịch HĐQT – ông Đoàn Nguyên Đức) gợi mở tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra vào ngày 20/8 trước đó. Vị lãnh đạo nhận định giá việc nhà đầu tư chiến lược muốn mua cổ phiếu riêng lẻ với giá cao hơn thị giá trên sàn là điều hoàn toàn có lợi cho công ty và cổ đông hiện hữu.

Số tiền dự kiến thu được tối đa 1.300 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai sẽ dùng 323 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu mã HAG2012.300; 277 tỷ đồng cơ cấu lại khoản nợ tại TPBank với công ty con là Gia súc Lơ Pang, còn lại 700 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Thời gian giải ngân dự kiến từ năm 2023 đến 2024.

Trước đó, vào tháng 4/2023, HAG đã không thành công trong đợt phát hành riêng lẻ gần 162 triệu cp với giá 10,500 đồng/cp (dự thu 1,700 tỷ đồng), nguyên nhân do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán nên các nhà đầu tư đã từ chối mua.

Một số trường hợp khác công bố kế hoạch và đã thực hiện phát hành riêng lẻ với quy mô huy động vốn từ 225 tỷ đồng đến 570 tỷ đồng như Tập đoàn Đất Xanh (57 triệu cổ phiếu DXG), Rạng Đông Holding (30 triệu cổ phiếu RDP), Licogi 13 (22,5 triệu cổ phiếu LIG) hay Tập đoàn Yeah1 (45 triệu cổ phiếu YEG), cùng với giá chào bán 10.000 đồng/cp.

Tổng hợp phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của một số công ty. (Nguồn: Tổng hợp từ nghị quyết của các doanh nghiệp).

Cổ phiếu nổi sóng cùng kế hoạch chào bán

Sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch hoặc chào bán riêng lẻ thành công, nhiều cổ phiếu nổi sóng, đơn cử như YEG và RDP. Trong tháng 9, Yeah1 đã chào bán riêng lẻ 45 triệu cp, tăng vốn điều lệ từ 314 tỷ đồng lên 763 tỷ đồng. Trong báo cáo kết quả, công ty đã phân phối cho 15 nhà đầu tư như dự kiến trước đó, bao gồm bà Lê Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) (4,2 triệu cổ phiếu), Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc - ông Đào Phúc Trí (3,5 triệu cổ phiếu), Phó Tổng giám đốc - ông Chế Đoàn Viên (3,7 triệu cổ phiếu), 12 nhà đầu tư còn lại sở hữu dưới 5% vốn.

Số tiền 450 tỷ đồng huy động được, công ty sẽ dùng 137 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay đối với Công ty TNHH 1Production; 23 tỷ đồng thanh toán tiền góp vốn và/hoặc thanh toán nợ vay Công ty TNHH Yeah1 Up; 290 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Trong diễn biến khác, chủ sở hữu kênh Yeah1 TV sắp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, ngày đăng ký cuối cùng là 16/10. Thời gian thực hiện từ 20/10 đến 30/10. Nội dung lấy ý kiến lần này là tờ trình thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

Trên sàn HOSE, thị giá YEG đã bật tăng tăng 39% sau 7 phiên (29/9 – 29/10), trong đó có đến 5 phiên tăng trần. Khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt gần 200.000 đơn vị, gấp đôi mức bình quân 3 tháng gần nhất.

YEG tăng 39% sau 7 phiên 29/9 - 9/10. (Biểu đồ: TradingView).

Đối với Rạng Đông Holding, công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền 300 tỷ đồng thu được dùng để trả nợ ngân hàng gồm BIDV (140 tỷ đồng) và Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (160 tỷ đồng).

Danh sách nhà đầu tư mua phát hành riêng lẻ của Rạng Đông Holding gồm có 5 cá nhân. Trong đó, Chủ tịch HĐQT - ông Hồ Đức Lam đăng ký mua nhiều nhất với 17 triệu đơn vị.

4 cá nhân còn lại mua 1,5 - 3,85 triệu đơn vị. Trong đó, hai cá nhân liên quan đến nhau là bà Lê Tường Vi và ông Cao Quang Thắng. Bà Vi và ông Thắng đăng ký mua 3,85 triệu đơn vị và 3,8 triệu đơn vị và dự kiến trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lần lượt 5,8% và 5,4% vốn.

Sau khi Rạng Đông Holding công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ, cổ phiếu RDP giao dịch khởi sắc. Giống YEG, thị giá RDP cũng tăng trần 5 trên 7 phiên gần nhất, tổng mức tăng đạt 36% và kết phiên 9/10 tại 12.050 đồng/cp. Thanh khoản sôi động với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 2,8 triệu đơn vị, gấp 5 lần mức bình quân qua 3 tháng gần nhất.

RDP tăng 36% trong 7 phiên 29/9 - 9/10. (Biểu đồ: TradingView).

Quan sát các trường hợp còn lại, DXG, KHG và LIG gần như biến động đi xuống theo diễn biến chung của thị trường chung và nhóm bất động sản nói riêng. Với HAG, mã ngành nông nghiệp tăng gần 13% sau 2 tuần, tức kể từ khi công bố việc cổ đông chấp thuận phương án chào bán riêng lẻ (26/9).

Tuy tăng giá, thanh khoản HAG không hề cải thiện so với giai đoạn những tháng trước, chỉ đạt xấp xỉ 9 triệu đơn vị mỗi phiên (bình quân qua một quý đạt 16,8 triệu đơn vị).

Diễn biến thị giá HAG từ tháng 7 đến 9/10. (Biểu đồ: TradingView).

Trong lịch sử, hiện tượng cổ phiếu nổi sóng với “game phát hành” không hiếm gặp. Thời điểm doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới hoạt động của doanh nghiệp. Quan sát thấy rằng đây cũng là thời điểm nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp được công bố.

Cổ phiếu nổi sóng tăng giá mạnh trong thời gian ngắn kèm thanh khoản tăng vọt, sự quan tâm được đẩy lên cao. Nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch "lướt sóng". Nhưng không ít lần cổ phiếu rớt giá mạnh sau con sóng tăng giá nhờ "game phát hành". Thậm chí trường hợp cổ phiếu liên tục sàn, nhà đầu tư sẽ không thể cắt lỗ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm