2 phiên hồi phục cuối tuần không bù lại được những phiên lao dốc trước đó, khiến đóng cửa tuần này, giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn so với cuối tuần trước.
EIB là cổ phiếu giảm sâu nhất tuần này (-9,7%) với 5 phiên giảm liên tiếp. So với đỉnh lập được hồi đầu tháng 2, EIB đã giảm hơn 16,4%. Trong phiên cuối tuần (5/3), EIB gây "sốc" cho nhà đầu tư khi đang tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng, có lúc tăng đến 5,2% thì bất ngờ chuyển sang sắc đỏ ngay phút cuối cùng ATC.
PGB sau khi có chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp thì sang tuần này đã điều chỉnh giảm 6%. Nhiều mã khác cũng giảm mạnh như HDB giảm 4,3%, MBB giảm 3,5%, VIB giảm 3,4%, MSB giảm 3,3%,…
Một số mã giảm nhẹ dưới 1% như SGB (-0,5%), VPB (-0,3%), VCB (-0,2%), ACB (-0,1%).
Cổ phiếu ngân hàng Việt chịu áp lực bán mạnh trong tuần qua khi cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu giảm mạnh trước những biến động địa chính trị và lạm phát tăng cao.
Ở chiều ngược lại, 2 mã tăng giá là SSB (+4,7%) và KLB (+1,5%). SSB thường xuyên có các phiên được kéo xanh trong những phút cuối cùng dù trước đó giảm hầu như toàn bộ thời gian giao dịch.
Tuần qua có tổng cộng gần 876 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị hơn 29.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản của VPB tăng đột biến, đạt hơn 152,6 triệu đơn vị.
VPB "bùng nổ" khối lượng giao dịch tuần qua khi thị trường kỳ vọng vào đợt phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sắp tới. Ngày 3/3, VPB đã chính thức nới room ngoại từ 15% lên 17,5% để mở đường cho kế hoạch này. Việc điều chỉnh này khiến room ngoại của VPB tạm hở ra hơn 23 triệu cp và lại nhanh chóng được lấp đầy. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 23 triệu cp VPB hôm 4/3 với giá trị gần 900 tỷ đồng, trong đó hơn 17,5 triệu cp được giao dịch theo phương thức thoả thuận.
Trong khi mua mạnh VPB, dòng tiền nước ngoài có xu hướng rút khỏi một số mã ngân hàng trong tuần qua như CTG (bán ròng 290 tỷ đồng), HDB (bán ròng (275 tỷ đồng),…