Năm 2021, hoạt động mua bán chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán đầu tư tại nhiều ngân hàng tăng mạnh, đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung của các nhà băng.
Đứng đầu danh sách các Ngân hàng kiếm nhiều tiền nhất từ chứng khoán trong năm 2021 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB). Nhà băng này có tổng thu nhập từ chứng khoán trong năm 2021 là 3.160 tỷ đồng, trong đó hơn 99% là lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư.
Nhóm các Ngân hàng có lãi thuần từ chứng khoán trên 1.000 tỷ trong năm qua bao gồm Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcombank). Một ông lớn trong "big 4" góp mặt trong top này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chứng khoán năm 2021 là 711 tỷ đồng, trong khi "ông trùm lợi nhuận nhà băng" Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) lại có thành tích kinh doanh chứng khoán vô cùng khiêm tốn, chỉ lãi 19 tỷ đồng trong năm 2021.
Chứng khoán đầu tư đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà băng trong năm 2021.
Chứng khoán đầu tư theo quy định là các loại giấy tờ có giá, có rủi ro thấp và thanh khoản cao. Bao gồm: trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao.
Trong đó, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ (TPCP) là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Đây là một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Chính vì vậy, trong năm qua hầu hết các phiên phát hành trái phiếu Chính phủ đều có có khối lượng giao dịch đạt 100%.
Đối với thị trường trái phiếu chính phủ, khối lượng huy động trên thị trường trong năm 2021 là 318.213 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,92 năm (giảm 0,02 năm so với cuối năm 2020), lãi suất phát hành bình quân đạt 2,30% (giảm 0,56% so với cuối năm 2020).
Đáng lưu ý, trong các phiên đấu thầu nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng mua trái phiếu.
Bên cạnh đó, còn có trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cố định ở mức cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi và có kỳ hạn. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính đến hết năm 2021, dư nợ thị trường TPDN riêng lẻ đạt khoảng 16% GDP năm 2021.
"Đầu tư vào trái phiếu giúp các ngân hàng thu được các khoản lãi lớn từ chênh lệch giá mua - bán trái phiếu", một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Theo đó, đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn, hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu.
Bên cạnh trái phiếu, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn. Tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành nên gần như không có rủi ro, nhưng tất nhiên lãi suất cũng sẽ không cao. Vì vậy, các nhà băng thường ít đầu tư vào kênh này hơn.
Các nhà băng "lướt sóng" với chứng khoán kinh doanh
Chứng khoán kinh doanh bao gồm các chứng khoán mà ngân hàng thương mại mua vào với mục đích hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn và các tài sản tài chính phái sinh được nắm giữ không phải với mục đích phòng ngừa.
Chứng khoán kinh doanh bao gồm Cổ phiếu, trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và các loại chứng khoán, công cụ tài chính khác. Khi chứng khoán tăng giá thì các cổ phiếu sẽ được bán đi thu lợi nhuận, thời gian quay vòng đầu tư thường khá ngắn.
Năm 2021 thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới. VN-Index kết thúc năm 2021 sát 1.500 điểm, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Điều kiện thuận lợi của thị trường đã giúp cho hoạt động "lướt sóng" chứng khoán của các nhà băng thu được nhiều lợi nhuận.
Nếu chỉ tính riêng lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) là ngân hàng "lướt sóng" thành công nhất với 583 tỷ đồng lợi nhuận. Một số ngân hàng có mức lợi nhuận "lướt sóng" ấn tượng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 450 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 496 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) 249 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TCB) 231 tỷ đồng;..
Năm 2022, kinh doanh, đầu tư chứng khoán ở các nhà băng có thể không còn "lãi khủng"
Theo một số chuyên gia kinh tế, cần lưu tâm khi trong các thu nhập từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn, bởi rủi ro tái tài trợ đã bộc lộ khá rõ ràng.
Hiện các ngân hàng đang có xu hướng nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, trong khi đây là nhóm đang được các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia cảnh báo rất nhiều. Do đó, sẽ khó nói trước được nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này với kỳ vọng sẽ có những thu nhập "bất thường" góp sức vào cuộc đua lợi nhuận trong năm 2022.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), mặc dù lướt sóng trong năm 2021 lãi được 104 tỷ đồng, nhưng lỗ từ chứng khoán đầu tư lên đến hơn 85 tỷ đồng, khiến thu nhập từ chứng khoán gần như không đáng kể.
Về mặt kinh doanh chứng khoán, năm 2022 được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và khó khăn hơn cho các nhà đầu tư, dự báo lợi nhuận từ mảng chứng khoán kinh doanh của các nhà băng có thể sẽ không được như năm 2021, thậm chí không cẩn thận có thể còn gây lỗ.