Thị trường chứng khoán vừa nối dài chuỗi ngày giảm chưa thấy đáy với phiên VN-Index mất 26 điểm cùng 164 mã sàn. Vốn hóa HoSE cũng theo đó bị thổi bay 103.000 tỷ đồng chỉ trong 45 phút cuối phiên. Tâm lý chán nản bao trùm nhưng đâu đó vẫn có những cổ phiếu ngược dòng bứt phá đem lại niềm vui cho cổ đông, nổi bật là DGC của Hóa chất Đức Giang.
Cổ phiếu đầu ngành Hóa chất gần như không màng đến sóng gió ngoài thị trường khi tiếp tục tăng 4% phiên 19/4 lên lập đỉnh mới 254.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa cũng theo đó tăng gấp đôi sau 3 tháng lên xấp xỉ 43.600 tỷ đồng (~2 tỷ USD).
Mức thị giá hiện tại cũng đưa DGC trở thành cổ phiếu "đắt" nhất sàn HoSE và đứng thứ 2 trên toàn thị trường chỉ sau một doanh nghiệp ngành Bia đang giao dịch trên UpCOM nhưng thường xuyên không có thanh khoản.
Cổ phiếu DGC tăng chưa thấy đỉnh
Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ tích cực đến từ thông tin về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ phát hành 117%. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 4-5/2022 sau khi được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nếu phát hành cổ phiếu thành công, vốn điều lệ của Hóa chất Đức Giang sẽ tăng gấp 2,2 lần từ gần 1.711 tỷ đồng lên 3.711 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu ngành Hóa chất còn tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 12.117 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3500 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 39% so với thực hiện năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, đây sẽ là năm đạt kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang.
DGC đặt mục tiêu lãi kỷ lục năm 2022
Trong một báo cáo mới công bố, Mirae Asset đánh giá cao triển vọng của DGC nhờ vị trí dẫn đầu ngành hóa chất, với nỗ lực vươn tầm thế giới. Việc Trung Quốc giảm dần các sản phẩm công nghiệp nặng, cũng như đóng cửa một phần dưới ảnh hưởng của Covid đã làm giảm nguồn cung dài hạn cho nhiều mặt hàng. Giá bán các mặt hàng đặc biệt là Phốt Pho đạt mức khả quan giúp hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Giá phốt pho vàng trên thế giới có sự giằng co nhưng quý 1/2022 tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Mirae Asset, Ban lãnh đạo DGC ước tính lãi ròng sau thuế quý đầu năm đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng dự án Nghi Sơn đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Dự kiến việc xây dựng được triển khai từ quý 3/2022. Dự án Nghi Sơn giai đoạn 1 với quy mô 390.000 nghìn tấn/năm với mức vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng trên diện tích xây dựng 60ha. Mirae Asset kỳ vọng dự án có thể đưa vào hoạt động nửa cuối năm 2024.
Thông tin cụ thể mỏ quặng Apatit thứ 2 của DGC chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, sự đóng góp tích cực từ mỏ Apatit 1 (khai trường 25) đã góp phần cải thiện chi phí. Công ty đang có kế hoạch thực hiện hoặc thâu tóm các dự án tương lai có liên quan đến các dòng nguyên liệu công nghiệp đầu vào.
Mirae Asset dự phóng kết quả kinh doanh của DGC thậm chí còn cao hơn so với kế hoạch doanh nghiệp đặt ra. Theo đó, doanh thu thuần và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ DGC có thể đạt lần lượt 14.005 tỷ và 4.096 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 46,6% và 71,5% cùng kỳ.
CTCK này cho rằng giá bán duy trì tốt sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của DGC tăng lên mức 37,1% trong khi Axit Phosphoric điện tử đạt sản lượng 45.000 tấn (chưa tính đến việc triển khai mỏ Apatit mới). Mảng bất động sản chưa phát sinh doanh thu trong dự báo năm 2022 do Dự án Chung cư Hoá chất Đức Giang đang gặp khó khăn trong quá trình cấp phép chủ trương đầu tư, chưa được triển khai chính thức.