Trả lời:
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị cảm. Khi trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi..., nhiều phụ huynh cạo gió (đánh cảm) bằng đồng xu bạc kết hợp với trứng gà luộc vì nghĩ giúp hút gió độc, thải hàn khí ra khỏi cơ thể, mau khỏi bệnh.
Cảm là cách gọi thông thường của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, do virus gây ra. Các triệu chứng phổ biến gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ thể, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm theo nôn hoặc tiêu chảy. Từ xa xưa, khi y học chưa phát triển, người dân thường lý giải các triệu chứng này là do cơ thể bị nhiễm gió độc.
Bạn không nên cạo gió cho con đồng xu bạc. Da trẻ mỏng, dùng vật cứng như đồng xu chà xát mạnh gây trầy xước, bỏng rát. Lực ma sát làm tổn thương lớp biểu bì non nớt.
Các vết lằn đỏ, tím bầm sau khi được cạo gió không phải là gió độc được lấy ra mà thực chất là do mạch máu nhỏ li ti (mao mạch) dưới da bị vỡ do tác động cơ học mạnh, gây chảy máu vào mô xung quanh. Đây là dạng chấn thương mô mềm. Vết da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, dẫn đến viêm mô tế bào, thậm chí nhiễm trùng máu.
Đồng bạc chuyển màu đen sau khi cạo gió không phải do hút độc. Tình trạng này là phản ứng hóa học hoàn toàn tự nhiên khi bạc (Ag) tác dụng với hợp chất chứa lưu huỳnh (S) có trong mồ hôi, tế bào chết trên da, không khí (khí H₂S) hoặc thành phần trong dầu gió hay cao xoa, tạo thành bạc Sulfide (Ag₂S) có màu đen.

Đồng bạc chuyển sang màu đen sau khi cạo gió bản chất là một phản ứng hóa học thông thường. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu hay bằng chứng khoa học về hiệu quả điều trị của phương pháp này. Cảm cúm, cảm lạnh chủ yếu do virus gây ra, cạo gió không thể tiêu diệt được virus, không tác động đến căn nguyên gây bệnh.
Cảm giác dễ chịu sau khi cạo gió thường đến từ tác dụng làm nóng của dầu gió hoặc do bệnh tự giảm theo thời gian. Tin tưởng và thực hiện cạo gió có thể làm cha mẹ chủ quan, bỏ qua dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng như sốt cao co giật, khó thở, li bì, nôn ói nhiều... dẫn đến chậm trễ đưa trẻ đến cơ sở y tế, làm lỡ mất cơ hội điều trị.
Khi trẻ có dấu hiệu bị cảm, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều để cơ thể phục hồi. Bé uống nhiều nước lọc, sữa hoặc nước trái cây, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, chia nhỏ bữa nếu biếng ăn. Dùng nước muối sinh lý rửa mũi giúp làm sạch dịch nhầy, súc họng bằng nước muối.
Nếu trẻ bị sốt, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt chứa paracetamol hoặc ibuprofen theo đúng liều lượng, giữ phòng thoáng mát, tránh gió lùa trực tiếp vào người. Phụ huynh đưa trẻ đến bác sĩ khám ngay nếu có dấu hiệu sốt cao liên tục quá ba ngày, khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực, hôn mê sâu, nôn ói nhiều, co giật, ho có đờm màu xanh hoặc vàng...
Khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |