Tại tọa đàm chip bán dẫn do Trung tâm đổi mới sáng tạo NIC và tổ chức giáo dục FPT Jetking tổ chức cuối tuần qua, một số sinh viên lo ngại bây giờ mới bắt đầu học về ngành bán dẫn, liệu khi ra trường vài năm tới có đủ nhu cầu việc làm hay không.
Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC, việc chuẩn bị hàng chục nghìn nhân lực cho ngành bán dẫn của Việt Nam "không phải cho năm nay, mà là cho tương lai".
Là đơn vị tham gia xây dựng đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, đại diện NIC cho biết đề án cũng đặt ra hai mốc chính là năm 2030 và 2045. Các bên cũng đang tìm kiếm giải pháp thúc đẩy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng vừa tốt vừa nhanh.
Trước đó, các đề xuất được đưa ra đặt mục tiêu Việt Nam có 50 nghìn nhân sự trong ngành chip vào năm 2030. Ngoài ra, theo ông Hoài, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn đều cần sự chuẩn bị dài hơi, có thể là 10 năm hay thậm chí 50 năm. "Cơ hội việc làm không thiếu, không chỉ cho Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu của thế giới", ông nói.
Tại tọa đàm, ông Harsh Bharwani, đại diện học viện Jetking của Ấn Độ, đánh giá thế mạnh của Việt Nam là có dân số trẻ, với giới trẻ thiên hướng học các môn liên quan công nghệ và kỹ thuật. "Đó là các yếu tố nhiều quốc gia khác mong muốn nhưng không có được", ông nói.
Theo ông, trong thập kỷ tới, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia chủ chốt trong bản đồ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới. "Càng nhiều người học thì càng nhiều nhân lực và cơ hội việc làm tăng thêm, để đón đầu nhu cầu nhân lực cực kỳ lớn cho ngành này", ông Bharwani nhận định.
Một số doanh nghiệp làm trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam cũng cho biết người làm ngành bán dẫn hiện vẫn thiếu. Các doanh nghiệp thay vì cạnh tranh nhau để thu hút từ các trường đại học top đầu, nay dần chuyển hướng sang tìm những người phù hợp về mặt tự duy, khả năng đáp ứng công việc thay vì bằng cấp.
"Có bằng cao đẳng, đại học hay thạc sĩ, mức lương có thể tương đương nhau bởi không quan trọng bằng cấp, mà đề cao khả năng giải quyết vấn đề", ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center, cho biết.
Ông cũng khuyến nghị sinh viên nên tham gia ngành này với tâm thế không chỉ làm việc cho các công ty bản địa, mà sẽ có thể làm cho các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy ngoài kiến thức cơ bản về Toán, Lý hay kiến thức chuyên ngành, họ cần có nền tảng tiếng Anh tốt để có cơ hội ra nước ngoài làm việc hoặc tự khởi nghiệp.
Còn theo ông Lê Thành Nam, Giám đốc Vieta Solutions Vietnam, thực tế trong công ty có những nhân viên không đến từ những trường đại học nhóm đầu, nhưng vẫn giữ những vị trí quan trọng. "Chúng tôi tuyển dụng không dựa trên bằng đại học, mà đánh giá theo năng lực, với các bài thi về logic để đánh giá", ông nói. "Một nhân sự mới ra trường, nếu đáp ứng vẫn có thể vào làm trong ngành bán dẫn với lương trên 10.000 USD mỗi năm".
Tuy nhiên, với đặc thù cần sự chính xác khi làm chip, sinh viên mới ra trường "dù giỏi tới đâu cũng sẽ không được giao làm chip luôn". Các chuyên gia khuyến nghị sinh viên khi tham gia nên xác định đây là một quá trình dài, cần sự đam mê cũng như tính kiên trì, đồng thời tận dụng lợi thế của thời đại như thông tin trên Internet, trí tuệ nhân tạo, tham gia sớm vào việc thực hành công việc liên quan.