Doanh nghiệp

CII tính rót 2.000 tỷ đồng cho M&A, có cả thành viên của Tasco

ĐHĐCĐ thường niên CII bất thành lần 1 khi chỉ có 134 cổ đông tham dự trong tổng 41.000 cổ đông nắm giữ cổ phiếu CII, chiếm tỷ lệ 37% số cổ phần có quyền biểu quyết. (Ảnh minh hoạ: Minh Hằng).

Ngày 24/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra bất thành do không đủ tỷ lệ nắm giữ của cổ đông tham dự không đạt 51% tổng số phiếu biểu quyết.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII vẫn có một số chia sẻ với cổ đông. Theo vị này, kế hoạch lợi nhuận năm 2024 là 430 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở thẩm định đánh giá kỹ càng, sau đó mới trình lên Hội đồng quản trị và tự tin kế hoạch này sẽ đạt được.

Rót 2.000 tỷ đồng cho các thương vụ mới

Lãnh đạo CII nói sẽ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm trong năm nay. Đầu tiên là đảm bảo mức lợi nhuận 430 tỷ. Thứ hai là tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án đang dở dang. Cuối cùng là hoàn tất thương thảo đàm phán với các nhà vận hành như Park Hyatt, InterContinental… bắt đầu xây dựng và khai thác khách sạn, biệt thự nhà phố liền kế tại dự án De Lagi (Bình Thuận). 

Công ty sẽ thực hiện công tác chuẩn bị tham gia các dự án PPP của TP HCM và của Trung ương. Xa hơn trong năm 2025, thành phố dự kiến đấu thầu 2 dự án, vì vậy CII sẽ bắt đầu khảo sát, tính toán tính khả thi ngay từ năm nay.

Một dự án lớn khác được chú trọng là Mở rộng cao tốc TP HCM - Mỹ Thuận, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CII - CTCP Tasco đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận liên danh là nhà đầu tư lập đề xuất Dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi). Trong năm 2024, liên danh sẽ lập dự án đầu tư, ông Bình thông tin.

Một vấn đề cần thực hiện trong năm nay là tiếp tục tái cấu trúc dòng tiền. "Hiện nay, CII đang làm việc với một số quỹ bảo hiểm, tiền ở các quỹ này là rất nhiều, khẩu vị của họ là nhắm tới các doanh nghiệp có dòng tiền đều đặn, ổn định và CII đáp ứng được các tiêu chí đó. CII sẽ cần phải chuẩn bị để sang năm bắt đầu phát hành trái phiếu cho các quỹ bảo hiểm", lãnh đạo công ty trình bày. 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tại đại hội, ông Bình còn tiết lộ công ty đã chốt 2 - 3 thương vụ với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng ngay trước đại hội. 

"Công ty vừa chốt xong một deal mua lại một dự án BOT mới, dự kiến cuối tháng 5 sẽ xong. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Thương vụ gần như hoàn tất, chỉ còn chờ thương thảo một số điều khoản nhỏ", ông nói và cho biết có thể thu phí từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. 

CII cũng đang nghiên cứu để M&A một doanh nghiệp tiềm năng cùng ngành nghề với công ty, là một doanh nghiệp trực thuộc Tasco. Thương vụ đang trong quá trình thương thảo và dự kiến cuối tháng 5 – 6 sẽ đóng deal.

Mức đầu tư ban đầu khoảng 300 tỷ đồng và có thể lên nghìn tỷ trong tương lai. Doanh nghiệp này theo ông Bình có triển vọng trở thành kỳ lân mới, đồng thời tiến độ thẩm định thương vụ đã đạt 80% và sẽ sớm có quyết định cuối cùng.  

Nói thêm về khoản đầu tư vào Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), lãnh đạo CII cho biết đang nắm 55% cổ phần công ty và dự kiến sẽ tăng lên xấp xỉ 80% trong năm 2024 thông qua việc chào mua công khai (quyết định này đã được HĐQT thông qua).

Doanh thu BOT có thể tăng 60-70%

Về việc tăng giá thu phí, tại dự án BOT Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), việc tăng giá chưa được quy định rõ. Đối với BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cứ 3 năm sẽ tăng phí 1 lần. Đồng nghĩa, đến ngày 22/8/2025, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ bắt đầu áp dụng mức thu phí mới.

Theo Báo cáo thường niên năm 2023, hoạt động thu phí BOT vẫn là nguồn thu chính của doanh nghiệp này trong năm ngoái với doanh thu đạt 1.687 tỷ đồng (tăng trưởng 16,7% so với năm 2022), chiếm hơn 54% tổng doanh thu cả năm.

Trong 7 dự án thu phí hạ tầng giao thông, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đóng góp nguồn thu lớn nhất cho CII với 834 tỷ đồng năm vừa rồi, theo sau là dự án BOT Xa lộ Hà Nội với 680 tỷ đồng và dự án BOT cầu Rạch Miễu với 253 tỷ đồng. 

CEO Lê Quốc Bình trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 24/4. (Ảnh minh hoạ: Minh Hằng).

Năm 2023, CII B&R - công ty trực tiếp vận hành hoạt động thu phí BOT của CII tại các dự án thu phí trên - ghi nhận mức doanh thu 1.703 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2022 và lãi ròng hơn 927 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước đó.

Ban lãnh đạo kỳ vọng giả định lưu lượng phương tiện tăng 3 - 8%/năm và giá vé thu phí tăng 9 - 25% trong mỗi giai đoạn 3 - 5 năm, doanh thu từ mảng BOT trong năm 2024 của CII có thể đạt khoảng 2.800 - 2.900 tỷ đồng, tăng 60 - 70% so với năm 2023. Con số này sẽ tăng dần qua các năm và đạt khoảng 5.500 tỷ đồng vào năm 2033.

Giai đoạn 2024-2033, doanh thu mảng BOT của CII sẽ tập trung chủ yếu ở 3 dự án gồm BOT Ninh Thuận, BOT Xa lộ Hà Nội và BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chiếm tỷ trọng từ 80 - 90%). 

Còn đối với quỹ đất tại khu vực Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), ông Lê Quốc Bình cho biết CII đang có 5 lô, tương ứng diện tích khoản 6 ha đất ở đây.

Tuy nhiên, quỹ đất này vẫn đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý từ năm 2017 đến nay khi đã có quyết định giao đất nhưng trên thực tế việc bàn giao chưa diễn ra. "Đáp án cho câu hỏi khi nào chuyển thành nhà ở thương mại chưa thể có được, câu chuyện vẫn chưa thể đi đến hồi kết", ông Bình nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm