Vào tháng 5/2010, một tên lửa tuy trông thô sơ nhưng lại thu hút sự chú ý của Elon Musk. Được gọi với cái tên Xombie, thiết bị này có thể bay cao trên không trung, ngắt động cơ giữa chừng, tái khởi động, sau đó hạ cánh nhẹ nhàng trở lại mặt đất. Đây là công nghệ mà ngay cả công ty tên lửa SpaceX của Musk vẫn đang khao khát tạo ra, vậy nên, Xombia được ví như một kỳ tích.
"Tuyệt đấy!", Elon Musk chia sẻ trong một email gửi đến các nhân viên của mình kèm theo chiếc video ghi lại chuyến bay thử nghiệm của Xombie.
Xombie được nghiên cứu và lắp đặt bởi một nhóm yêu thích tên lửa tại công ty khởi nghiệp Masten Space System. Được thành lập vào năm 2004, công ty nhỏ bé hoạt động ngoài sa mạc Mojave nhưng lại thu hút một lượng lớn những kỹ sư táo bạo và yêu những ý tưởng điên rồ. Sau Xombie, Masten Space Systems còn "thai nghén" thành công một vài thiết bị bay khác, chẳng hạn như Xoie, Xaero, Xodiac và cuối cùng là XL-1 - một con tàu vũ trụ có thể hỗ trợ NASA bay lên mặt trăng như một phần của hợp đồng trị giá 75,9 triệu USD.
Kể từ chuyến bay gây ấn tượng với Musk, ngành công nghiệp vũ trụ thương mại chính thức nở rộ. Ngoài các công ty được giới tỷ phú hậu thuẫn, chẳng hạn như SpaceX và Blue Origin, thị trường lúc bấy giờ còn có Rocket Lab, Firefly Aerospace, một số nhà sản xuất tên lửa và các công ty khởi nghiệp khác.
Theo Bloomberg, Masten đã tạo ra một thị trường ngách đáng ngưỡng mộ trong phong trào New Space (Không gian Mới). Quan trọng nhất, đây là "cái nôi" tạo nên một thế hệ các kỹ sư hàng không vũ trụ tài năng và luôn tham vọng những điều mới mẻ.
Tuy nhiên, thực tế, du hành vũ trụ khó đến mức khó tin. Bằng chứng là đợt phóng ngày 3/9 của tên lửa SLS cho sứ mệnh Artemis I của NASA tiếp tục bị hủy do sự cố rò rỉ hydro lỏng, được phát hiện 3 tiếng trước giờ cất cánh.
Đây là lần thứ 2 tên lửa SLS bị hủy phóng. Đợt phóng đầu tiên cũng đã phải bỏ ngỏ sau một số sự cố, bao gồm lỗi hệ thống làm mát động cơ cũng như rò rỉ nhiên liệu trong quá trình bơm từ ống dẫn đến lõi tên lửa.
Không chỉ có NASA, Masten giờ đây cũng buộc phải gác lại giấc mơ vũ trụ còn đang dang dở. Công ty đã nộp đơn phá sản vào cuối tháng Bảy, trong sự ngỡ ngàng và tiếc nuối của rất nhiều người.
"Thật đau lòng khi thấy Xombie phải kết thúc theo cách này", Jonathan Goff, nhà đồng sáng lập, nói.
THỜI HOÀNG KIM
Dave Masten, nhà đồng sáng lập, trước đó đã nổi tiếng khắp Thung lũng Silicon với vai trò là một kỹ sư giỏi có tiếng. Sau khi công ty Marten đang nắm giữ cổ phần được mua lại, ông có đủ số vốn để theo đuổi giấc mơ tên lửa thời thơ ấu của mình.
Masten Space Systems sau đó ra đời, bên trong một tòa nhà bảo trì tại Cảng Hàng không & Vũ trụ Mojave ở Mojave, California. Mục tiêu duy nhất khi đó của ông là có thể tạo ra bước chuyển mình cho ngành công nghiệp vũ trụ nhờ những con tàu có khả năng tái bay nhiều lần.
Trong khi SpaceX và Blue Origin được hậu thuẫn bởi các tỷ phú giàu có nhất nước Mỹ, Masten có sự gan dạ và tinh thần “làm bất cứ điều gì bạn thích” của Mojave. Trong những năm đầu thành lập công ty, New Space chính là khát vọng. Masten tung các tin tuyển dụng và lời mời thực tập, với hy vọng nhiều người, đặc biệt là những chàng trai trẻ chưa có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, sẽ đến và cống hiến cho Masten Space Systems. Công ty thường tuyển dụng từ 5 đến 10 người, trong đó, Masten và Goff là thành viên nòng cốt.
Được biết Xombie được thiết kế và xây dựng trong khoảng 4 tháng để tham gia cuộc thi của XPrize Foundation, tập trung vào việc chế tạo một con tàu đổ bộ mặt trăng. Một trong những kỹ sư góp công lớn là Ben Brockert - người từng bỏ đại học và lái xe đến Mojave bằng chiếc xe tải trị giá 500 USD. Ian Garcia, một chuyên gia về phần mềm, cũng tìm đường đến Masten từ Cuba xa xôi.
Dự án đã nắm bắt được bản chất của startup một cách hoàn hảo. Masten và Goff biết họ đang làm gì; cả Brockert, Garcia và những người học việc. Họ cùng nhau vẽ, thiết kế, sau đó nối móc chúng lại với nhau và thử nghiệm tàu bay trên sa mạc. Cũng đã có những lần khởi động thất bại; tàu vũ trụ nổ tung.
“Nếu bạn là người giỏi nhất và dành trọn sự quan tâm vào một thứ gì đó, bạn sẽ làm được thôi”, Brockert nói.
Cách làm này cuối cùng cũng hiệu quả. Xombie khiến ngành hàng không vũ trụ bất ngờ khi có thể bay cao trên không trung, ngắt động cơ giữa chừng, tái khởi động, sau đó hạ cánh nhẹ nhàng trở lại mặt đất. Cách thức đưa tên lửa trở lại Trái đất sau đó đã được SpaceX áp dụng.
NGÃ KHUỴU
Tuy nhiên, Masten cũng có nhiều điểm yếu. Công ty thuê người, đào tạo họ, sau đó ngậm ngùi nhìn từng nhân viên rời đi. Họ tâm sự tiền lương không đủ, và bản thân họ cũng không thể sống mãi trong một thị trấn hẻo lánh nơi sa mạc. Brockert và Garcia cuối cùng quyết định chuyển đến Astra Space, một công ty sản xuất tên lửa. Một thực tập sinh khác, Tim Ellis, thì chọn Blue Origin, sau đó tự mở công ty riêng có rên Relativity Space. Nhà đồng sáng lập Goff cũng dứt áo ra đi vào năm 2010.
Người ở lại chỉ có độc Dave Marten. Ông lặng lẽ nhìn nguồn tiền dự trữ ngày càng cạn kiệt, trong khi những người thân cận nhất đầu quân vào những công ty đang huy động hàng trăm triệu USD vốn. Bản thân Masten Space Systems lại không được nhiều nhà đầu tư nhắm đến do đã hoạt động khá lâu năm.
“Khi bạn làm được khoảng ít nhất 10 năm, bạn sẽ không còn là một công ty khởi nghiệp nữa”, Goff nói.
Rất may, công ty giờ đây nhận được một hợp đồng nhỏ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Darpa cho mục đích thử nghiệm. NASA cũng trả tiền cho Xombie và một số thiết bị khác trong khuôn khổ các cuộc bay thử nghiệm lên Mặt trăng và Sao Hỏa.
Vào tháng 4/2020, có vẻ như Masten cuối cùng cũng đã được hồi sinh. Chính phủ Mỹ đặt tầm ngắm lên Mặt trăng một lần nữa, và công nghệ của Masten gần như hoàn hảo để hiện thực hóa mục tiêu này. Masten nhận được gần 76 triệu USD tiền hỗ trợ. Nhân sự cũng đã tăng lên 120 người, trong khi các phân xưởng vận hành theo một guồng quay hối hả.
Tuy nhiên, đại dịch xuất hiện. Masten bắt đầu thông báo về sự chậm trễ của dự án. Các vấn đề trong chuỗi cung ứng buộc công ty phải tự sản xuất một số bộ phận. Chi phí tăng khiến Masten bắt đầu phải “đốt” tiền mặt một cách không hề bền vững, cố gắng huy động tiền đầu tư nhưng không thành. Đến tháng 7, công ty buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Ước tính có tới 250 cựu nhân viên và thực tập sinh của Masten nằm rải rác trên khắp các công ty New Space khác. Trở thành một phần của Masten đồng nghĩa với việc bạn phải học cách sửa chữa và vận hành mọi thứ với mật độ dày đặc, trung bình từ 80 đến 100 giờ làm việc mỗi tuần.
Theo Goff, Masten Space System đã huy động được 3 đến 5 triệu USD trong suốt khoảng thời gian hoạt động, ngoài số tiền mà Masten đã tự bỏ ra.
“Ông ấy có lẽ đã đầu tư 2/3 giá trị tài sản ròng của mình, khoản tiết kiệm cả đời. Dave đã hy sinh rất nhiều để biến Masten thành thứ có thể. Ông ấy đã tạo ra nhiều phép màu và tôi hy vọng rằng, bằng một cách nào đó, kết thúc này sẽ không phải điều tồi tệ nhất”.
Theo: Bloomberg