Ngành hoạch định tài chính cá nhân là cần thiết để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam
Ngày 4/8, Hiệp hội tư vấn Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức diễn đàn phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam với chủ đề “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VCFA, nhấn mạnh: “Thực tế hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính là đáng báo động, gây nhiều hệ lụy. Các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính đang giải quyết về mặt hình thức, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng.
Nhiều người đi tư vấn đầu tư còn không biết nguyên tắc định giá tài sản đầu tư, tư vấn cho vay mà không nắm vững về nguyên tắc quản trị rủi ro phá sản cho khách hàng... Nghề tư vấn tài chính cá nhân cần đứng về phía người mua. Chính vì coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề nên phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn mức của ngành hoạch định tài chính cá nhân.”
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng ngành hoạch định tài chính cá nhân là cần thiết để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Nhìn từ kinh nghiệm trên thế giới, bà Hiền chỉ ra cần thiết phải tập trung giáo dục tài chính cho khách hàng; giúp người dân chấp nhận và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức; xác định hoạch định tài chính cá nhân là kênh tư vấn công minh và đáng tin cậy khi người dân gặp khó khăn về tài chính.
Thời “zero-fee” đang tới, cố vấn đầu tư lên ngôi
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới hội Sở của Chứng khoán Mirae Asset, Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT cho hay TTCK đã đi qua 23 năm, hiện đã có gần 1.800 cổ phiếu giao dịch trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM. Tốc độ TTCK phát triển là rất cao.
Tuy vậy, sản phẩm cung cấp trên thị trường vẫn tập trung chính là tư vấn giao dịch. Vốn hóa TTCK tại năm 2021 đã đạt khoảng 90% GDP cả năm. Tuy nhiên, qua một giai đoạn điều chỉnh rất mạnh về mặt vĩ mô, chứng khoán Việt Nam cũng đã giảm mạnh thuộc top đầu thế giới (VN-Index giảm hơn 30% trong 2022).
Trong ba tài sản chính danh chủ yếu gồm chứng khoán, tiền gửi và bất động sản, chứng khoán là một kênh phân bổ vốn rất tốt. Một xu hướng tích cực trong những năm gần đây là xu hướng tích sản. Điều này cũng đẩy vai trò của nhà tư vấn lên.
Hiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang làm việc với các định chế việc xếp hạng TTCK Việt Nam. Ông Tuấn đánh giá cao về động thái này và kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm sau, từ thị trường cận biên lên mới nổi của khu vực châu Á. Khi đó, nguồn vốn từ các quỹ ngoại sẽ được phân bổ vào Việt Nam với số tiền lên đến hàng chục tỷ USD, đây là một cơ hội huy động vốn rất lớn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống KRX cung cấp nhiều sản phẩm, giao dịch tiên tiến. Đó là những tương lai của thị trường có thể thấy trong 2 – 3 năm tới.
Liên quan đến quan hệ trên TTCK, ông Tuấn nhận thấy hoạt động môi giới có sự mâu thuẫn với lợi ích thực sự của khách hàng, do môi giới thường có tâm lý thúc đẩy khách hàng giao dịch càng nhiều, xa rời câu chuyện tư vấn, phân bổ, đầu tư một cách chuyên nghiệp, biến khách hàng thành những người giao dịch nhiều.
Chưa nói đến câu chuyện lời lỗ, khách hàng đã phải chịu một lượng chi phí đáng kể. Nhìn ra các quốc gia lân cận hay các quốc gia phát triển trên thế giới, họ đã nâng cấp mô hình tiết kiệm phí giao dịch cho nhà đầu tư, đó là các mô hình zero-fee (không tính phí). Mô hình này đã sinh ra một nhu cầu mới là cố vấn đầu tư.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích Đầu tư của CTCP Quản lý gia sản FIDT, sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet đã làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp trên phạm vi toàn cầu và cũng làm thay đổi cách thức giao dịch chứng khoán.
Nếu trước đây việc giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư thường thông qua các hình thức gửi mail, điện thoại cho người môi giới chứng khoán (broker) thì ngày nay nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự mình thực hiện giao dịch online thông qua website hoặc các ứng dụng do các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp. Chính việc này đã giúp việc giao dịch chứng khoán nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch và với chi phí thấp hơn nhiều các phương thức truyền thống.
Các hệ thống giao dịch đã thay thế một phần vai trò của người môi giới chứng khoán truyền thống, từ đó mở ra một loại hình môi giới chứng khoán mới với chi phí thấp hơn nhiều môi giới truyền thống, gọi là môi giới chiết khấu (discount broker).
Ở Mỹ hay nhiều nước khác, các công ty môi giới chiết khấu này được thành lập và liên tục cạnh tranh hạ các mức phí giao dịch để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vốn rất nhạy cảm với chi phí, từ đó lôi kéo các công ty môi giới truyền thống nhập cuộc để không bị bỏ lại phía sau.
Sau khi Charles Schwab (một trong những công ty môi giới chứng khoán lớn nhất ở Mỹ) khơi mào ‘cuộc chiến’ zero-fee vào quý IV/2019 thì đến nay, hầu hết các nền tảng giao dịch chứng khoán online lớn tại Mỹ đều không còn phí giao dịch (transaction fee). Với zero-fee, chúng ta chứng kiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân với số vốn đầu tư nhỏ gia nhập thị trường trên phạm vi toàn cầu kể từ khi đại dịch COVID-19 phát sinh.
Ông Phương nhận định Việt Nam ta cũng không đi ngoài xu hướng này, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 6, số lượng tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,2% dân số.
Để thu hút lượng nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã cạnh tranh bằng cách giảm phí giao dịch, khiến mặt bằng phí giao dịch chứng khoán giảm đáng kể so với trước dịch. Một sự kiện đáng lưu ý là Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2018/TTBTC có hiệu lực từ tháng 2/2019 đã chính thức bãi bỏ phí sàn môi giới chứng khoán (mức sàn trước đó là 0,15%).
Từ đó các CTCK tham gia vào cuộc đua giảm phí không giới hạn với công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng mức phí 0% đối với giao dịch cổ phiếu là Chứng khoán Pinetree. Câu chuyện zero-fee của ngành chứng khoán thực sự được chú ý mạnh mẽ khi ông lớn Chứng khoán Techcom (TCBS) chính thức miễn phí dịch tất cả các hoạt động đầu tư chứng khoán bao gồm cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết cho nhà đầu tư giao dịch trên nền tảng TCInvest kể từ 1/1/2023.
Trong cuộc họp cổ đông của Chứng khoán MB (MBS) năm 2023, ông Lưu Trung Thái, hiện là Chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB), từng chia sẻ: “Các CTCK giai đoạn vừa qua cạnh tranh quá khốc liệt, phí môi giới thì đang có xu hướng trở về 0 giống như phí chuyển tiền của ngân hàng. Tôi tin là việc zero-fee của chứng khoán cũng đang tới”. Rõ ràng đây là sẽ xu hướng chính về phí môi giới ở TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Với mô hình môi giới chứng khoán truyền thống, các broker được trả hoa hồng trên phí giao dịch chứng khoán của khách hàng. Sự phát triển của các nền tảng giao dịch chứng khoán thuận tiện với zero-fee thì các công ty chứng khoán sẽ không thu phí giao dịch; do đó, các CTCK đã áp dụng zero-fee thường sẽ không còn nhân viên môi giới chứng khoán (như TCBS) hoặc cho khách hàng lựa chọn có môi giới và áp dụng phí giao dịch gia tăng hoặc tự giao dịch với mức phí rẻ hơn nhiều.
Ở Mỹ, kể từ khi xu hướng giảm phí giao dịch bắt đầu thì số lượng người chỉ làm môi giới chứng khoán giảm liên tục. Việc này xảy ra là do với việc hoa hồng giao dịch bị ảnh hưởng, một bộ phận người làm nghề môi giới mở rộng nghề nghiệp sang lĩnh vực cố vấn đầu tư với sự gia tăng mạnh mẽ của người sở hữu cả hai loại chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư.
Vậy có thể thấy đang có sự mở rộng phạm vi công việc mạnh mẽ của những người làm nghề môi giới để đa dạng hóa công việc và nguồn thu. Những người mới vào nghề có xu hướng hướng thẳng đến chứng chỉ cố vấn đầu tư mà không qua nghề môi giới.