Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn được xem là cái nôi văn hóa còn sót lại của Di sản vịnh Hạ Long. Không chỉ chứa đựng những kỷ vật của ngư dân vùng vịnh mà nó còn là hồn cốt của vịnh di sản. Nhưng qua thời gian, những ngôi nhà lưu giữ kỷ vật ấy đang chìm dần xuống biển vì không có kinh phí sửa chữa.
Sau loạt bài, nhiều doanh nghiệp có tâm huyết đã ngỏ ý muốn bỏ tiền phục dựng lại làng chài và họ sẽ xây dựng đề án để đưa ngư dân trở lại sinh sống và làm việc tại làng chài trong mô hình du lịch bền vững.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh cũng như thành phố Hạ Long, ai cũng muốn phục dựng và lưu giữ làng chài nhưng từ năm 2017, UBND thành phố Hạ Long đã đầu tư sửa chữa làng chài và dự án này nằm trong hạng mục đầu tư công nên rất khó để giao cho doanh nghiệp tái đầu tư.
Nhiều bạn đọc cũng gọi điện, gửi thư đến tòa soạn của báo Tiền Phong để hiến kế cứu làng chài cổ. Mới đây nhất, có Trung tâm kết cấu mới và vỏ xi măng lưới thép (đơn vị có nhiều kinh nghiệm xây dựng công trình nổi) đã gửi công văn cho UBND thành phố Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và báo Tiền Phong với mong muốn cùng hợp tác với các cơ quan chức năng để khắc phục tình trạng của làng chài.
Đặc biệt, mới đây nhất, tại kỳ họp 19, HĐND thành phố Hạ Long đã quyết định bổ sung 2 dự án trên vào chương trình đầu tư công 6 tháng cuối năm 2023 của thành phố, với tổng số tiền khái toán là 25 tỷ đồng, từ nguồn 89% phí tham quan vịnh Hạ Long để lại cho thành phố Hạ Long.
Được biết, nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long có năm cao nhất đạt trên 1.200 tỷ đồng. Số tiền này được trích lại 11% cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long và 89% còn lại được điều tiết cho thành phố Hạ Long thực hiện đầu tư các dự án trên bờ và dưới vịnh Hạ Long.