Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế nhưng để trở thành quốc gia phát triển, khoảng cách vẫn còn rất xa.
Theo các chuyên gia, nếu vượt qua được bẫy thu nhập trung bình Việt Nam sẽ vươn lên trở thành các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc còn nếu không sẽ bị mắc kẹt như Indonesia hay Thái Lan.
Trong quá khứ, Nhật Bản bắt đầu vào giai đoạn tăng trưởng nhanh năm 1956 khi bắt đầu có mức tăng trưởng 10%, Hàn Quốc bắt đầu năm 1961 trong chế độ của Tổng thống Park, Đài Loan năm 1965 khi tăng cường xuất khẩu của ngành chế biến, chế tạo, Thái Lan bắt đầu năm 1986 khi thu hút FDI), Indonesia năm 1986 khi bắt đầu thu hút FDI và Việt Nam 1993 khi hồi sinh khu vực tư nhân, bắt đầu thu hút FDI và ODA.
Trải qua hơn 30 năm, có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam như: Tăng trưởng chậm lại ở mức thu nhập trung bình, thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao, năng suất lao động và TFP ở mức trung bình hay sự phụ thuộc nhiều vào FDI.
Vì vậy, để vươn lên thành nước phát triển Việt Nam cần nỗ lực hơn rất nhiều.
Nền kinh tế phụ thuộc vào FDI
Nghiên cứu về sự phát triển của các quốc gia châu Á, GS. Kenichi Ohno, Giáo sư danh dự Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) chỉ ra rằng trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển dựa trên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành chế biến, chế tạo và phát triển khoa học công nghệ thì Việt Nam, Thái Lan và Indonesia lại phát triển dựa trên thu hút nguồn vốn FDI và ODA.
GS. Kenichi Ohno cho rằng muốn phát triển nhờ vào nguồn vốn, công nghệ từ bên ngoài, các quốc gia như Việt Nam thường bắt đầu từ các công đoạn đơn giản ít tạo ra giá trị như cắt, may, lắp ráp. Tuy nhiên, từ đó cần quá trình sản xuất cần được cấp để nâng cao năng suất lao động và nắm bắt công nghệ. Điều này sẽ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp trong nước và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với Việt Nam, sự phát triển phụ thuộc vào khu vực FDI bộc lộ nhiều điểm yếu khi kể từ đầu những năm 2000, năng suất lao động của khu vực FDI giảm đáng kể. Điều này là do sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động đơn giản như: May mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...thay vì cơ khí, khai thác mỏ hoặc công nghệ thông tin.
Nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI hài lòng với lao động tay nghề thấp giá rẻ và không sẵn sàng đầu tư vào nguồn nhân lực trình độ cao.
GS Kenichi Ohno cho rằng, chiến lược này của các doanh nghiệp FDI phản ánh sự thất bại của Việt Nam trong việc đào tạo số lượng lớn các nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên có năng lực,... những yếu tố cần thiết cho việc nâng cấp công nghệ.
Ba yếu tố tạo nên trình độ phát triển của một quốc gia
Theo GS Kenichi Ohno, Việt Nam là quốc gia bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nhanh (1993) để trở thành quốc gia phát triển sau cùng nhưng thu nhập bình quân đầu người lại ở mức khá thấp, chỉ cao hơn Hàn Quốc những năm 1961.
Theo ông, trình độ phát triển của một quốc gia đến từ ba yếu tố: Sự năng động của khu vực tư nhân, chất lượng chính sách và các nhân tố bên ngoài.
Sự năng động của khu vực tư nhân là nhân tố quan trọng quyết định trình độ phát triển của quốc gia, các yếu tố bên ngoài có vai trò quan trọng nhưng tác động sẽ giảm đi theo thời gian do suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng tài chính, khủng bố, chiến tranh, thảm họa tự nhiên...
Bên cạnh đó, chất lượng chính sách cũng đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường tính năng động của khu vực tư nhân và quản lý các yếu tố bên ngoài. Chất lượng chính sách yếu kém là nguyên nhân chính của các vấn đề do tăng trưởng gây ra trong dài hạn bao gồm cả bẫy thu nhập trung bình.
Mặc dù Việt Nam đạt nhiều thành công về tăng trưởng trong những năm 1990, 2000 và 2010, song chất lượng chính sách vẫn chưa được cải thiện, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp trong nước chưa đủ.
Để đối phó với vấn đề này, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị kinh tế. Đồng thời, cần tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới với ít quan liêu hơn.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng đã hơn 30 năm kể từ khi đổi mới, các động lực tăng trưởng cũ đang yếu dần và nếu không có động lực mới hoặc làm mới các động lực cũ thì rất khó để bứt phá.
Theo TS. Cung khu vực tư nhân của Việt Nam có tính năng động nhưng chưa phát triển. "Kể từ khi khu vực kinh tế tư nhân được thừa nhận đến nay đã hơn 30 năm nhưng chúng ta chưa có những doanh nghiệp đủ tích luỹ tư bản và công nghệ sánh ngang với các nước phát triển", ông Cung đánh giá.
Điều này phần nào khiến kinh tế Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Vì vậy, quan trọng nhất là cần chú trọng khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tập trung vào các tập đoàn tư nhân lớn.
Vấn đề thứ hai cũng giống như GS. Kenichi Ohno chỉ ra là chất lượng chính sách. Hiện Việt Nam có tình trạng “vài tháng ra một chính sách”, thể hiện sự bất định của thể chế, chính sách. Điều này phần nào khiến doanh nghiệp bối rối.
Theo ông, khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách cần học hỏi nội dung thay vì chỉ là các thuật ngữ, hình thức. Kinh nghiệm quốc tế cần được thu thập và so sánh, điều này có thể được thực hiện thông qua nỗ lực tự thân của chính phủ, huy động sự tham gia của các chuyên gia hoặc sự hỗ trợ của các cố vấn nước ngoài có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...đã làm trước đây.
Theo chuyên gia, cơ hội của Việt Nam là rất lớn, Việt Nam cũng đang xây dựng các chính sách để phát triển công nghiệp. Vậy làm thế nào để bắt nhịp chính sách, xu hướng mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là những vấn đề đặt ra trong tương lai.