Sau khi tăng mạnh trong phiên sáng lên 79 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC sang chiều ngày 26/2 lại quay đầu giảm 200-300 nghìn đồng/lượng.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng miếng SJC đều đang được niêm yết ở mức 76,6-78,8 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng so với sáng nay.
Tập đoàn DOJI cũng điều chỉnh giảm 200 nghìn đồng/lượng xuống 76,55-78,75 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu giảm xuống 76,80-78,70 triệu đồng/lượng.
Thực tế, diễn biến này cũng lặp lại như nhiều phiên giao dịch gần đây. Giá vàng SJC bất ngờ được đẩy lên cao quanh mốc 79 triệu đồng/lượng bất chấp giá vàng quốc tế đi ngang hoặc sụt giảm. Tuy nhiên, vàng SJC chỉ duy trì được mốc 79 triệu đồng/lượng trong thời gian rất ngắn vài giờ đồng hồ rồi lại quay đầu giảm mạnh. Chẳng hạn như phiên giao dịch cuối tuần trước (23/2), giá vàng SJC tăng vọt trong buổi sáng từ 78,7 triệu đồng/lượng lên 79 triệu đồng/lượng, sau đó đến đầu giờ chiều lại quay đầu giảm trở về mức 78,7 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn 24k đang có xu hướng tăng hôm nay. Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã tăng 200 nghìn đồng/lượng lên 63,65-64,95 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu cũng tăng khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với sáng nay lên 64,73-65,83 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.035 USD/ounce, tương đương với khoảng 61 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD. Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là khá lớn, gần 18 triệu đồng/lượng.
Việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn đang là tâm điểm chú ý trên thị trường thời gian gần đây. Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Song song với đó, NHNN cũng cần phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý I/2024. Từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đánh giá và xem xét lại thị trường vàng.
Theo giới chuyên gia, trong lần sửa đổi này, xóa độc quyền vàng miếng SJC là nội dung quan trọng bậc nhất. Tại một tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức gần đây GS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng, ciệc chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó có quy định "Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng" đã khiến nảy sinh nhiều bất hợp lý. Theo GS Cường, không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng, thay vào đó có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm khiến giá vàng bị đẩy lên.