Thời sự

Chuyên gia nói về các động lực tăng trưởng quý IV và 2023, áp lực tỷ giá sẽ dịu bớt trong năm tới

Tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” tổ chức tại TP HCM sáng 27/9, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nói về những điểm sáng và rủi ro vĩ mô trong giai đoạn tới.

Ông Đào Minh Châu trình bày tại tọa đàm sáng 27/9 do VietnamBiz, Việt Nam Mới, WiGroup tổ chức. (Ảnh: Ban Tổ chức. Đồ họa: Hồng Hà).  

Áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ dịu bớt

Đại diện SSI cho hay, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 là 7% có thể đạt được, tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022. Về điểm sáng vĩ mô, chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, ngành tiêu dùng hồi phục với doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng tăng mạnh 19% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa 8 tháng tăng đã vượt mức trước dịch COVID-19, tăng 34% so với cùng kỳ 2019.

Những điểm sáng khác còn phải kể đến lạm phát bình quân 8 tháng được kiểm soát ở mức thấp 2,6%; cán cân thương mại 8 tháng ước tính thặng dư 4 tỷ USD và thặng dư ngân sách với thu 8 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, ông Châu đánh giá động lực tăng trưởng quý IV2022 và 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

 

 

Đề cập đến các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi Chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.

Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn với cung tiền giảm và lãi suất tăng trong quý IV/2022 và 2023 trong bối cảnh NHTW trên thế giới liên tục thắt chặt chính sách. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó thanh khoản thị trường bất động sản có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt thị trường bất động sản trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu. Trong hai năm tới khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn gần 250.000 tỷ, sẽ tác động tới ngành địa ốc và ngành ngân hàng.

Rủi ro đáng chú ý khác là tỷ giá tăng và vẫn còn áp lực trong năm 2023, mặc dù có thể dịu bớt so với năm 2022.

Bức tranh trung hạn của Việt Nam vẫn hấp dẫn

Cũng tại tọa đàm, bình luận về tình hình vĩ mô, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần FIDT cho rằng bối cảnh kinh tế hiện nay không có điểm tốt đẹp. Việt Nam sẽ ghi nhận quý III/2022 tăng trưởng kỷ lục trên nền so sánh thấp của năm ngoái. Đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhìn vào triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn trình bày tại tọa đàm sáng 27/9 do VietnamBiz, Việt Nam Mới, WiGroup tổ chức. (Ảnh: Ban Tổ chức. Đồ họa: Hồng Hà). 

Nói riêng về Việt Nam, nước ra vẫn đang rất khéo léo trong điều hành chính sách. Lợi thế của Việt Nam là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy.

Ông Tuấn đánh giá đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế, là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của Việt Nam vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.

Ông lưu ý việc triệt tiêu kỳ vọng lạm phát là bài toán phải giải quyết, cần ổn định mặt bằng giá cả để ít gây áp lực lên chính sách tỷ giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm