Chia sẻ trong buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng mặc dù bối cảnh kinh tế hiện nay không có điểm tốt đẹp, Việt Nam sẽ ghi nhận quý III/2022 tăng trưởng kỷ lục trên nền so sánh thấp của năm ngoái. Đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhìn vào triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu.
Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”.
Theo dự báo của FIDT, hiện VN-Index đang rơi về ngưỡng xấu nhất trong các kịch bản dự báo được các bên xây dựng trước đó khi P/E về -1 độ lệch chuẩn và tăng trưởng EPS thấp. Theo FIDT, chỉ số chính sàn HOSE có thể hồi phục lên ngưỡng 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.
Đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế, là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của chúng ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.
Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, nếu nhà đầu tư muốn phân bổ tiền vào các ngành có nhu cầu không suy giảm thì rõ ràng nhóm tiện ích bao gồm điện nước (PC1, REE, BWE) sẽ là một trong các nhóm ngành được ưu tiên.
Bên cạnh đó, bán lẻ thiết yếu như bách hóa, dược phẩm. Khi lãi suất tăng, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may….
Khi đó bài toán sẽ quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa. Muốn kích thích thì thị trường phải có “room”. Người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng, do đó ông Tuấn cho rằng Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa.
Nhóm ngành phòng thủ cuối cùng được nhắc đến là y tế, lương thực, thực phẩm. Nhờ lương thực thực phẩm mà chúng ta tự tin là lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát, dư địa đầu tư công cũng đang dồi dào. Nếu cuộc họp Quốc hội tới đây mà giảm được 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu thì giá xăng sẽ tiếp tục giảm.
Về mặt vĩ mô, việc triệt tiêu kỳ vọng lạm phát là bài toán phải giải quyết, ổn định mặt bằng giá cả, ít gây áp lực lên chính sách tỷ giá.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng nhà đầu tư có thể chú ý đến các nhóm ngành hưởng lợi từ câu chuyện phát triển hạ tầng và thu hút FDI như bất động sản khu công nghiệp (NTC, PHR, KBC); xây dựng & hạ tầng (HHV, VCG, C4G),....
Còn theo ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research, thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có xu hướng điều chỉnh sau hai năm tăng nóng.
VN-Index giảm khoảng 21% từ đầu 2022 đến 23/9 do ảnh hưởng từ mức giảm của các ngành vật liệu, công nghiệp, BĐS, tài chính. Giá trị giao dịch trên HOSE cho thấy xu hướng giảm mạnh từ mức đỉnh 2021. Việc thanh khoản giảm chủ yếu do dòng tiền vào của NĐT cá nhân giảm, nhiều NĐT cá nhân có xu hướng rút tiền ra.
Chuyên gia gợi ý các nhóm ngành tiềm năng trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động khó lường gồm các ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc KQKD phục hồi từ đáy và cuối cùng là các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.