Doanh nghiệp

Chuyên gia: Kỳ vọng thị trường trái phiếu có thể "hạ cánh mềm"

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08, có hiệu lực từ 5/3, cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Ngoài ra, Nghị định mới ban hành cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ đầu năm đến nay đã liên tiếp công bố thông tin bất thường của các tổ chức phát hành chậm trả nợ gốc, lãi, phần lớn là doanh nghiệp bất động sản. Ít nhất 10 doanh nghiệp bất động sản thông báo chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu trong nửa tháng qua với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán".

Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính các doanh nghiệp năm nay cần đáo hạn gần 273.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp và năm sau khoảng 200.000 tỷ nữa. Theo các chuyên gia, việc sửa nghị định mới có thể giúp số trái phiếu này "hạ cánh" an toàn trong bối cảnh nhiều áp lực trên.

"Các quy định mới có giá trị tích cực và là cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm 'hạ cánh mềm' cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup, công ty cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, nhận xét sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới.

Kỳ vọng nút thắt này được gỡ hoàn toàn từ hai điểm mới trong Nghị định 08 là điều không dễ, theo giới phân tích, khi hai nội dung này không phải điểm mới với thị trường.

Kéo dài kỳ hạn đang được doanh nghiệp thực hiện theo cách đàm phán giãn thời gian thanh toán gốc, lãi. Trong khi đó, cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện gần đây, đặc biệt là nhóm bất động sản. Tuy nhiên, các giao dịch này mới dừng ở mức là các thỏa thuận riêng giữa trái chủ và tổ chức phát hành.

"Việc có một quy định chuyên ngành rõ ràng sẽ làm cơ sở pháp lý để thúc đẩy xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp", Chủ tịch FiinGroup nói. Dù vậy, chuyên gia này cho rằng hiệu quả thực hiện vẫn sẽ dựa trên quá trình đàm phán thực tế.

Dù vậy, ở góc độ trái chủ, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, Nghị định mới được giới phân tích đánh giá chưa mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực.

Các nội dung mới trong Nghị định 08 đang hướng trái chủ và nhà phát hành vào bàn đàm phán để tháo gỡ khó khăn. Việc đàm phán này có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề như tính pháp lý của tài sản, lộ trình và khả năng thanh toán.

Khi thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, theo ông Thuân, vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao - mấu chốt để hai bên đàm phán. Nếu hai bên không thể thống nhất, nhà phát hành phải có kế hoạch để đảm bảo xử lý các nghĩa vụ tài chính.

Ở trường hợp kéo dài kỳ hạn, việc chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với trái phiếu do nhà đầu tư cá nhân sở hữu cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát, tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cũng cho rằng, vấn đề từ phía cầu của thị trường lúc này không hẳn là giới hạn nhà đầu tư nào được tham gia mà ở niềm tin của thị trường.

Báo cáo mới đây của VNDirect đánh giá, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân - đối tượng chiếm khoảng một phần ba lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp - đã suy giảm xuống mức rất thấp sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm phát hành trái phiếu của một số nhà phát triển bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Điều này thể hiện qua việc nhiều người vội vàng bán trái phiếu để thu lại tiền mặt. "Hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4-5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10-12% một năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14-17%", chuyên gia của VNDirect cho hay.

Người đứng đầu FiinGroup cũng cho rằng "Nghị định mới phần nhiều là giúp về cơ sở pháp lý cho tổ chức phát hành tái cấu trúc nợ, còn yếu tố niềm tin thị trường vẫn còn cần thêm giải pháp".

Nghị định mới cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Quy định cũ về thời gian phân phối trái phiếu không quá 30 ngày và yêu cầu có kết quả xếp hạng tín nhiệm với một số trường hợp cũng không còn hiệu lực.

Về phía nhà phát hành, tạm dừng áp dụng một số quy định sẽ tạo không gian thông thoáng hơn. Như trường hợp dừng quy định giới hạn về giới gian phân phối trái phiếu, theo các chuyên gia, có thể tăng tỷ lệ thành công các đợt phát hành bởi doanh nghiệp có thêm thời gian.

Ngoài đảm bảo về khả năng thanh toán, nhà phát hành phải tính toán mức lãi suất cho phần bù rủi ro đủ hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay. Về ngắn hạn, dừng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân sẽ hỗ trợ phần nào cho việc phát hành trái phiếu mới thành công hơn nếu mức lãi suất đủ hấp dẫn nhà đầu tư mới.

Để tiếp tục gỡ nút thắt cho thị trường trái phiếu, Chủ tịch FiinGroup kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ nhóm nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng cấp tín dụng.

Ngoài ra, các giải pháp gỡ về pháp lý, tạo điều kiện cho mua bán, M&A, cũng được trông chờ để giúp hơn 400.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sắp đến hạn có thể an toàn, hạn chế tác động chéo đến ngành ngân hàng và thị trường tài chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm