Thời sự

Chuyên gia: GDP quý I tăng cao nhất 4 năm nhưng xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng vẫn phục hồi không chắc chắn

Phát biểu tại "Hội thảo kinh tế Việt nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 11/4, các chuyên gia đều nhận định tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,66% tuy cao nhất 4 năm nhưng các động lực tăng trưởng hồi phục vẫn chưa đồng đều, thiếu chắc chắn, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân đến từ sự phục hồi trắc trở và chậm chạp của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy khả năng suy thoái thấp kinh tế thế giới thấp nhưng vẫn lãi suất đồng USD và Euro vẫn còn giữ ở mức cao sau khi tăng đỉnh điểm, phải đến giữa năm nay mới có thể giảm dần.

Phục hồi chưa chắc chắn

Hội thảo kinh tế Việt nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định. (Ảnh: Hạ An).

TS. Lê Xuân Sang Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay tiếp tục chịu tác động mạnh hiếm có, rất khó dự đoán từ các yếu tố bất định bên ngoài và bên trong.

Nền kinh tế phải chịu ba cơn gió ngược từ bên ngoài. Thứ nhất là sự suy giảm tăng trưởng ở nhiều đối tác kinh tế lớn Việt Nam, nhất là Trung Quốc, thậm chí suy thoái tăng trưởng như ở Đức và một vài nước EU, sự suy giảm thu nhập khả dụng ở các nước phát triển hậu COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao, nhất là ở Mỹ có ảnh hưởng tới tỷ giá, lãi suất qua đó ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư Việt Nam. Tính bất định chính sách của Fed về lãi suất rất cao, khó dự báo gây khó khăn cho việc đưa ra phản ứng chính sách của Việt Nam.

Thứ ba, giá cả, lạm phát quốc tế, nhất là giá dầu và các mặt hàng liên quan vẫn còn nhiều bất định, giá nhiều đầu vào sản xuất tuy giảm, song vẫn còn ảnh hưởng chủ yếu là tiêu cực.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. (Nguồn: Tradingeconomics.com).

Đánh giá về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Philipines, kinh tế Việt Nam có phần nổi trội hơn trong dịch COVID-19 nhưng sau đó tăng trưởng GDP lại bị mất đà hai lần, dìm nền kinh tế sa vào quỹ đạo hai đáy, tạo sự biến động, xáo động lớn trong nền kinh tế, xã hội.

Nhìn từ phía cung, tăng trưởng GDP đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn từ đầu năm 2022, tuy nhiên mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý I/2024 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

Các lĩnh vực tăng trưởng không đều và biến động phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế và tác động của dịch bệnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, song nông nghiệp lại là yếu tố “bệ đỡ” khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Nhìn từ phía cầu, tiêu dùng là cấu thành đóng góp cho tăng trưởng GDP ổn định nhất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng khá rõ, nhất là năm 2022 đến hết quý I/2024.

Tuy nhiên tốc độ tăng của tiêu dùng đang chậm lại. Trong quý I, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).

Bên ngoài khó khăn cần bên trong nỗ lực hơn

Với những yếu tố trên, TS. Sang cho rằng để tạo động lực cho tăng trưởng cần giảm tính bất định bên ngoài thông qua nghiên cứu, dự báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động và thích ứng trong ứng phó chính sách và thích nghi.

Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế. Theo ông, nỗ lực và ý chí chính trị trong cải cách thể chế, nhất là liên quan bất động sản một cách hiệu quả và kịp thời đóng vai trò không kém trong thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, cần thúc đẩy một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, dám làm và cống hiến và đủ đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển trong một thế giới đầy đổi thay cũng có ý nghĩa lớn và cấp bách, chuyên gia kiến nghị.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh về việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tiền tệ cũng như tài khoá. "Các nhóm chính sách giải pháp 2023, có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024", ông Thành kiến nghị.

Theo ông, cần tập trung vào ba nỗ lực chính sách. Một là, ổn định kinh tế vĩ mô, từ duy trì lạm pháp tương đối thấp cho đến đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, khôi phục niềm tin thị trường và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. 

Hai là kích cầu tiêu dùng thông qua du lịch và hỗ trợ người lao động. Về đầu tư, cần phát triển hạ tầng, thu hút FDI chất lượng qua tận dụng việc nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật Bản,... cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với Trung Quốc.

Về xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, ký kết, đàm phán thêm các FTA cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ba là, hoàn thiện khung khổ pháp lý, việc ban hành, sửa đổi các văn bản Luật quan trọng đồng thời đáp ứng xu thế số, xanh, dịch chuyển.

Theo chuyên gia, phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn là việc Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm