Theo bác sĩ Trần Thị Kim Thanh - trưởng khoa tim mạch IV, Bệnh viện Tim Tâm Đức, bệnh nhân cao tuổi bị suy tim có thể do bệnh lý tim mạch mãn tính, nhưng cũng có thể do lão hóa hoặc không được thăm khám và theo dõi tim mạch tốt.
Bên cạnh đó hiện có nhiều bệnh lý chuyển hóa dễ dẫn đến suy tim. Theo bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền - giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, gần đây bác sĩ gặp nhiều ca bệnh suy tim bắt đầu từ tình trạng béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa... của người bệnh.
Thế nào là phương pháp 4T điều trị suy tim?
Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh suy tim thường có nhiều bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rung nhĩ, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, suy thận hoặc thiếu máu, do đó bệnh nhân thường phải dùng nhiều thuốc hơn. Trong khi đó, các triệu chứng suy tim của bệnh nhân cao tuổi thường không rõ ràng.
Những biểu hiện suy tim ở người cao tuổi bao gồm khó thở tăng dần khi thực hiện các hoạt động hằng ngày như tắm rửa, lúc mặc quần áo, mang giày, phù chân hoặc bụng to dần, mệt mỏi, đầy hơi, chán ăn, buồn nôn, suy giảm nhận thức hoặc ho dai dẳng.
Việc điều trị suy tim ở người cao tuổi thường phối hợp bằng bốn phương pháp cơ bản với từ viết tắt 4T (Thuốc, Thực phẩm, Theo dõi, Thể dục).
Thuốc: Luôn tuân thủ điều trị theo toa. Cần uống thuốc đúng giờ để tránh quên thuốc.
Thực phẩm: Cần hạn chế muối và lượng nước theo tư vấn của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân suy tim nên ăn ít hơn 2g muối (tương đương khoảng 1/2 muỗng cà phê ) và uống ít hơn 1.800ml nước mỗi ngày (lượng muối và nước cụ thể còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cần tham khảo thêm chế độ dinh dưỡng cụ thể với bác sĩ của mình).
Theo dõi: Cần đo huyết áp, cân nặng, lượng nước tiểu và lập bảng theo dõi mỗi ngày. Bệnh nhân cần mang những bảng này đến bác sĩ khi tái khám.
Thể dục: Tập thể dục là điều cần thiết để giữ cho trái tim khỏe mạnh. Bệnh nhân suy tim vẫn nên hoạt động mỗi ngày, nhưng cần cẩn thận không tập luyện quá sức. Một hình thức tập thể dục hiệu quả cho người cao tuổi bị suy tim là đi bộ. Ngoài ra, nếu bệnh nhân mong muốn có bài tập phù hợp hơn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chăm sóc, điều trị tốt sẽ giảm tái phát, giảm biến chứng
Theo ông Nguyễn Sinh Hiền, suy tim là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, các bệnh lý như tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường... đều nguy cơ dẫn đến suy tim.
"Tuy nhiên mỗi người chỉ có một trái tim, nếu chăm sóc, điều trị không tốt thì ảnh hưởng đến tính mạng và nếu suy tim dẫn đến chức năng tim bị suy giảm quá mức chỉ có thể có biện pháp điều trị cuối cùng là ghép tim, nhưng rất ít người phù hợp các chỉ số và nhận được tim hiến tặng để ghép" - ông Hiền cho biết.
Chính vì vậy chăm sóc và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy tim là thách thức tại các cơ sở y tế. Dịp này Bệnh viện Tim Hà Nội đã nhận được giải thưởng vàng của Hội Tim mạch Hoa Kỳ trong điều trị, quản lý bệnh nhân suy tim.
Đây là chứng nhận khá khắt khe với yêu cầu trong 24 tháng liên tục phải đạt các tiêu chuẩn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ về điều trị và quản lý bệnh nhân.
Theo ông Hiền, hiện tỉ lệ bệnh nhân suy tim tái phát và vào viện lại của Bệnh viện Tim Hà Nội là dưới 7%, bệnh nhân tử vong dưới 2%, chức năng tim của đại đa số bệnh nhân tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ tái phát và nhập viện trở lại.
Cách giúp đỡ người thân lớn tuổi bị suy tim:
Nếu một trong những người thân lớn tuổi hoặc thành viên gia đình của bạn đang mắc bệnh suy tim, bạn có thể giúp họ bằng những cách sau :
- Cần theo dõi thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Đi cùng người thân trong những buổi thăm khám.
- Giúp lập bảng theo dõi các chỉ số huyết áp, cân nặng, lượng nước tiểu hằng ngày.
- Luôn thăm hỏi tình trạng của người thân, quan sát những biểu hiện của suy tim như khó thở, phù, mệt mỏi, lượng nước uống và tình trạng tinh thần.
- Theo dõi các triệu chứng khi dùng thuốc, chú ý những thay đổi trong toa thuốc trong mỗi lần thăm khám
- Không tự ý mua thuốc giảm đau cho người thân vì sẽ làm nặng hơn tình trạng suy tim của người bệnh.
- Ghi lại và báo cáo những thay đổi này với bác sĩ